Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Bộ Giao thông vận tải:

Kỳ I: 63 tập thể và 46 cá nhân bị xử lý hành chính

Trần Quý

Thứ tư, 27/11/2024 - 17:00

(Thanh tra) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xử lý hành chính đối với 63 tập thể và 46 cá nhân, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố 208 đối tượng vi phạm.

5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ GTVT xử lý hành chính đối với 63 tập thể và 46 cá nhân. Ảnh: TQ

Mới đây, tại buổi làm việc với tổ công tác của Thanh tra Chính phủ về PCTN, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai Luật PCTN và văn bản hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật PCTN năm 2018 được ban hành. Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực và tội phạm, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc và ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2023 về việc ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, thay thế Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2008, để các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ triển khai thực hiện nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về công tác PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. 5 năm qua, Bộ GTVT và các đơn vị đã tổ chức 146 lớp với 26.880 người tham dự.

Bộ GTVT đã xây dựng hệ thống công khai, minh bạch các hoạt động của Bộ GTVT và các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ trên phần mềm Hệ thống công khai, minh bạch (tPublic) nhằm PCTN, tiêu cực, tính đến nay, Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã công khai 6.471 văn bản trên tPublic của Bộ GTVT. Các nội dung được công khai như: Công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước, số liệu quyết toán ngân sách; dự toán thu chi; kế hoạch vốn đầu tư công trình; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; chế độ, chính sách đối với người lao động; kết luận thanh tra... đảm bảo theo quy định.

Báo cáo số 11882/BGTVT-TTr ngày 1/11/2024 về việc báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN của Bộ GTVT gửi Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong 5 năm thực hiện Luật PCTN, Bộ GTVT đã triển khai 4 cuộc thanh tra trách nhiệm. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1.040,741 triệu đồng, thu hồi về quỹ đơn vị 157 triệu đồng và kiến nghị xem xét xử lý đối với 2 tổ chức do vi phạm quy định Luật Đấu thầu; kiến nghị bãi bỏ 4 quy định, sửa đổi 10 quy chế, quy định nội bộ; chỉ đạo ban hành mới 11 quy định.

Trong 5 năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã triển khai chuyển đổi 382 vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Về kiểm soát tài sản, thu nhập, năm 2021, Bộ GTVT thực hiện đối với 4.264 người; năm 2022 là 3.090 người và năm 2023 là 2.890 người. Về công tác xác minh tài sản, thu nhập, từ năm 2022 đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện bốc thăm xác minh đối với 151 người (năm 2022: 17 người; năm 2023: 50 người và năm 2024: 84 người).

Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc với Bộ GTVT về PCTN. Ảnh: TQ

Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, Thanh tra Bộ, các cục, vụ đã tổ chức thực hiện 134 cuộc thanh tra, kiểm tra (47 cuộc thanh tra, 87 cuộc kiểm tra) trong các lĩnh vực được giao quản lý. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã chuyển thông tin và hồ sơ 1 vụ việc, chuyển thông tin 6 cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan công an địa phương để xem xét xử lý theo thẩm quyền; xử lý, thu hồi 59,63 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 39,30 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh toán, quyết toán 20,30 tỷ đồng; xử lý hành chính đối với 63 tập thể, 46 cá nhân, trong đó cảnh cáo 3 cá nhân, khiển trách 1 cá nhân, phê bình 4 tập thể, rút kinh nghiệm 59 tập thể và 42 cá nhân; kiến nghị sửa đổi, bổ sung 4 nghị định; 5 thông tư; kiến nghị ban hành mới quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động lai dắt tàu thuyền, xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch điều động tàu thuyền hàng ngày; kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan; bãi bỏ các quy định cũ đã không còn phù hợp...

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xem xét xử lý các vi phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ đối với 208 cán bộ bị khởi tố về hành vi “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”; xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với 132 công chức, viên chức, trong đó 130 đảng viện bị kỷ luật khai trừ; 76 công chức, viên chức đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử, đang được tiếp tục xem xét xử lý theo quy định.

Truy tố 5 cán bộ đường thủy nội địa; khởi tố 6 cán bộ vi phạm hoạt động mua bán trái phép hóa đơn trong lĩnh vực hàng hải; khởi tố 6 cán bộ hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (Trường Cao đẳng Trung ương II, III); truy tố 2 cán bộ (1 cán bộ Cục Đường bộ Việt Nam, 1 cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ I.6) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ (cấp "luồng xanh" trong thời kỳ dịch Covid-19 và đưa hối lộ); tuy tố 2 cán bộ (Vụ Hợp tác Quốc tế 1 cán bộ, Cục Hàng không Việt Nam 1 cán bộ) vi phạm quy định trong việc "giải cứu" công dân về nước trong thời kỳ dịch Covid-19; 6 cán bộ vi phạm quy định trong công tác thực hiện bảo hiểm y tế (Bệnh viện GTVT Yên Bái).

Đã xem xét xử lý 2 người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.

Theo đại diện Bộ GTVT, hiệu quả công tác PCTN so với 5 năm trước khi ban hành Luật PCTN năm 2018, công tác PCTN, tiêu cực đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, thể hiện thông qua việc đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực quản lý; công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, thanh tra, kiểm tra, giám sát ngày càng được tăng cường; công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý được đẩy mạnh; việc xử lý các hành vi vi phạm kịp thời, nghiêm minh, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc răn đe, phòng ngừa vi phạm phát sinh.

Bộ GTVT tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu của công tác PCTN, tiêu cực “cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các chương trình, kế hoạch dài hạn, hằng năm”.

Kỳ II: Những khó khăn, vướng mắc, ý kiến, kiến nghị

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh tra Chính phủ làm việc với Đà Nẵng về công tác phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ làm việc với Đà Nẵng về công tác phòng, chống tham nhũng

(Thanh tra) - Chiều ngày 27/11, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng với nội dung 5 năm thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN); mà trọng tâm là thực hiện các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN).

Ngọc Phó

19:08 27/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm