Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Nhật Huyền

Thứ sáu, 11/10/2024 - 20:49

(Thanh tra) - Sáng 11/10, Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực thành phố, phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NH

Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy cho biết, công tác PCTN, tiêu cực nói chung, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Đặc biệt, sau khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực được thành lập, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực thành phố đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi những nội dung về thách thức, khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Từ đó, đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng Viện KSND Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế trong những năm qua, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến hiệu quả công tác thu hồi chưa đạt kết quả như mong muốn.

Tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Ảnh: NH

Tại Viện KSND thành phố, nhận thấy nguyện vọng của bị can là quyền lợi chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật, nên từ giữa năm 2023, lãnh đạo đơn vị đã cho chủ trương về việc hướng dẫn bị can, thân nhân bị can nộp tiền khắc phục trong giai đoạn truy tố. Điển hình, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 30 ngày truy tố, đã thu hồi được gần 8 tỷ đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản, ông Ngô Phạm Việt cho rằng, ngay trong giai đoạn thụ lý nguồn tin, giai đoạn điều tra, Viện KSND 2 cấp đã kiểm sát và phối hợp với cơ quan điều tra tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản, nên nhiều bị can đã tự nguyện nộp khắc phục và được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ trong bản kết luận điều tra.

Phó Viện trưởng Viện KSND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Phạm Việt cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong thực thực hiện thu hồi tài sản các vụ án. Ảnh: NH

“Nhiều bị can không nộp khắc phục trong giai đoạn điều tra, nhưng khi nhận được bản kết luận điều tra, phát hiện đồng phạm của mình trong cùng vụ án đã nộp tiền khắc phục hậu quả, được xem xét tình tiết giảm nhẹ, nên đã chủ động liên hệ viện kiểm sát để được nộp tiền khắc phục, với mong muốn được ghi nhận hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong cáo trạng”, Phó Viện trưởng Viện KSND Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy cho biết, để thực hiện tốt công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp. Trong đó, ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra.

“Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra”, Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nói...

Theo Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy, việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra. Ảnh: NH

Liên quan đến việc định giá tài sản, ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong các vụ án về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, việc định giá tài sản và kết quả định giá ngoài việc có vai trò quan trọng, quyết định trong việc định tội danh và khung hình phạt thì còn có giá trị tham khảo khi giải quyết các vấn đề dân sự có liên quan cũng như công tác thi hành án về sau.

Do đó, cơ quan điều tra trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án cần quan tâm hơn nữa đối với việc giám định, định giá trong các lĩnh vực thuế, giám định, định giá trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, khoa học kỹ thuật. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án trong việc xét xử, thi hành án cũng như đãm bảo cho công tác thu hồi về sau.

Ngoài ra, theo Phó Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể từ giai đoạn điều tra đến xét xử, nếu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có giá trị lớn hay mang tính đặc thù, khi kê biên, ngăn chặn phải tính toán khâu xử lý từ giai đoạn này, không để tài sản “bất động” sẽ dẫn đến hao hụt giá trị, ảnh hưởng đến việc thi hành án sau này...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm