Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đại biểu Quốc hội: “Giao dịch bất động sản bắt buộc không dùng tiền mặt”

Hương Giang

Thứ ba, 31/10/2023 - 14:01

(Thanh tra) - Với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản, Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc “thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tất cả giao dịch bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh Luật Kinh doanh bất động sản rất quan trọng với việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường bất động sản, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

“Do đó các quy định của luật cần chặt chẽ, tránh sơ hở, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này”, ông Cường nói.

Dự thảo trình Quốc hội, tại Điều 7, khoản 6 quy định “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản”.

Ông Cường nhấn mạnh, việc thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản thì Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị sửa lại chính sách trên để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Nhà nước.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng đề nghị tất cả giao dịch bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng, không chỉ riêng phần của chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư. Tức là, giao dịch giữa các cá nhân nhưng có tính chất kinh doanh cũng phải giao dịch thanh toán qua ngân hàng.

“Chúng ta đã tiến được một bước tiến đáng kể thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, tôi đề nghị phải cách mạng thêm”, theo lời đại biểu An.

Về quy định công khai minh bạch thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh, theo nhận định của ông Cường, “còn một số bất cập”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, dự thảo tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản gồm cả doanh nghiệp và cá nhân (không thành lập doanh nghiệp). Cũng tại dự thảo luật, chỉ quy định trách nhiệm, hình thức, nội dung công khai thông tin của doanh nghiệp mà không quy định với cá nhân kinh doanh bất động sản.

“Trong khi đó, Điều 8 Dự thảo Luật lại nghiêm cấm hành vi “không công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh” cho các chủ thể kinh doanh bất động sản nói chung”, ông Cường nói.

Nghiêm cấm hành vi thao túng thị trường bất động sản

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản, như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch và không công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; gian lận, lừa đảo khách hàng...

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Nêu ý kiến, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị bổ sung hành vi thao túng, làm giá bất động sản vào danh mục cấm trong kinh doanh lĩnh vực này.

“Hành vi thao túng trên thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán”, ông An nói và nhấn mạnh, thao túng bất động sản rất tinh vi.

Theo ông, thao túng bất động sản không chỉ thông qua đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc, mà còn có dùng dự án này để "kích" giá dự án khác, dẫn tới “bong bóng và tạo mặt bằng giá trên trời so với thực tế”.

“Nếu không xử lý triệt để sẽ tạo thành bong bóng, giống trường hợp của Hãng Địa ốc Trung Quốc China Evergrande Group”, ông An đề nghị, cần quy định cấm hành vi thao túng, làm giá bất động sản trong luật và trường hợp cụ thể loại trừ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Trong đó, ông Thông lưu ý có việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm “thổi giá” đất ở khu vực xung quanh.

“Thời gian qua, hành vi này diễn ra khắp nơi làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua”, đại biểu đoàn Bình Thuận nói.

Cũng đề cập tới hành vi cấm trong kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Văn Mạnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế) nêu, quy định thu tiền, sử dụng tiền mua bán thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật.

So với quy định hiện hành, dự luật lần này bỏ hành vi huy động chiếm dụng trái phép vốn, theo ông Mạnh, vô tình tạo khẽ hở trong sử dụng vốn của chủ đầu tư, cũng như tạo các kênh khác để huy động vốn.

Ông đề nghị giữ nguyên quy định liên quan tới việc cấm chiếm dụng trái phép để hạn chế hành vi này xảy ra trên thực tế.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 27/11.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm