Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Còn việc lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu nhằm vụ lợi

Văn Thanh

Thứ tư, 03/11/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm thực hiện đạt kết quả tích cực. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thực hiện thường xuyên, góp phần thực hiện PCTN, xử lý nhiều sai phạm về kinh tế, các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định.

Hội nghị tổng kết ngành Thanh tra Thanh Hóa và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: VT

Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm, chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác PCTN.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản đôn đốc việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức; kế hoạch khắc phục hạn chế qua kết quả chấm điểm công tác PCTN...

Thanh tra tỉnh và Sở Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN. Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu cho chủ tịch UBND các cấp các ban hành các văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ theo quy định của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thanh Hóa chủ trì, giao ban định kỳ hàng tuần với các ngành trong Khối Nội chính của tỉnh để nắm bắt tình hình, tham mưu cho Tỉnh uỷ chỉ đạo công tác nội chính và PCTN. Thanh tra tỉnh có Phòng Thanh tra PCTN tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh công tác quản lý Nhà nước về PCTN; Công an tỉnh có Ban Chỉ đạo PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có Phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế và chức vụ, tham mưu theo dõi các vụ án về tham nhũng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính. Công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, công khai trong công tác tổ chức cán bộ...

Song song đó, các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị Nhà nước ở Thanh Hóa thực hiện phân cấp, phân quyền, khoán định mức, thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, phương tiện nhà nước và công tác tổ chức cán bộ. Nhiều đơn vị đã chủ động ban hành tiêu chí đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn, tài sản Nhà nước.

Về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các cơ quan hành chính, chức năng đã tự tiến hành 45 cuộc kiểm tra, qua kiểm tra phát hiện 8 vụ có vi phạm các quy định về chế độ định mức tiêu chuẩn với 78 người, xử lý hành chính 70 người, tổng giá trị các vi phạm về chế độ định mức tiêu chuẩn là hơn 105 triệu đồng, đã thu hồi đạt 100%. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với 323 người nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Thực hiện Công văn số 252/TTCP-C.IV ngày 19/2/2021 của Thanh tra Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập đối với người kê khai thuộc Thanh tra tỉnh kiểm soát và đề nghị giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước. Số người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ 22.496 người ở 79 đơn vị.

Từ đầu năm 2021 đến nay các tổ chức thanh tra trong tỉnh triển khai 196 cuộc thanh tra hành chính. Kết quả đã ban hành kết luận 160 cuộc, phát hiện sai phạm hơn 167 tỷ đồng và 9.619 m2 đất; kiến nghị thu hồi hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, riêng Thanh tra tỉnh triển khai 22 cuộc thanh tra kinh tế xã hội trên các lĩnh vực, đã kết thúc thanh tra và ban hành kết luận 18 cuộc, phát hiện vi phạm về kinh tế phải xử lý hơn 159 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 10 tỷ đồng, giảm trừ 22.264,48 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thanh tra các sở, ngành triển khai 352 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã ban hành kết luận 254 cuộc, tiến hành thanh tra, kiểm tra 520 cá nhân và 631 tổ chức. Qua thanh tra phát hiện 333 cá nhân, 309 tổ chức có vi phạm, số tiền vi phạm hơn 21,4 tỷ đồng (trong đó cá nhân 1.678 triệu đồng, tổ chức gần 20 tỷ đồng), kiến nghị thu hồi  gần 14 tỷ đồng, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 72 cá nhân, 114 tổ chức.

Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn được phát hiện qua phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng và qua công tác giải quyết KNTC. Qua giải quyết KN đã thu hồi cho Nhà nước 295 triệu đồng và 372m2 đất; trả lại cho tập thể, cá nhân 450,2 triệu đồng, 15.915m2 đất, bảo về quyền lợi cho 97 cá nhân, 2 tổ chức, tổng số người bị kiến nghị xử lý hành chính 7 người. Qua giải giải quyết TC đã thu hồi cho Nhà nước 1,108 tỷ đồng, 556 m2 đất, trả lại cho tập thể, cá nhân 75 triệu đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm 26 người.

Mặc dù vậy, theo đánh giá công tác PCTN ở một số sở, ngành, địa phương ở Thanh Hóa vẫn còn hạn chế như công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra ở không ít đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tuy đã có những chuyển biến so với năm 2020 nhưng vẫn còn hạn chế, số vi phạm phát hiện được còn chưa thể hiện đúng tình hình thực tế. Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả công tác này còn chưa thực sự chuyển biến.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra. Chất lượng hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, nhiều vi phạm về quản lý xây dựng, vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được xử lý, ngăn chặn.

Thông qua việc rà soát, kiểm tra, thanh tra các vụ việc được Chủ tịch UBND tỉnh giao của Thanh tra tỉnh cho thấy, thanh tra chuyên ngành chưa kịp thời phát hiện, chưa nghiêm túc, kiên quyết trong xử lý và ngăn chặn vi phạm của tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực của ngành phụ trách. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm