Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chống tham nhũng: Cán bộ rất tốt mà thiếu rèn luyện là "sa cơ lỡ vận" như thường

Hương Giang

Thứ sáu, 04/09/2020 - 18:22

(Thanh tra) - Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, “vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện xử lý”.

Theo nhiều đại biểu, vẫn có nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng. Ảnh: TN

Ngày 4/9, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học: “Người đứng đầu với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)”.

“Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có công tác PCTN”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu khai mạc toạ đàm.

Vẫn còn nhiều người đứng đầu tiếp tay cho tham nhũng

Ông Học cho hay, bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ thực tiễn đấu tranh PCTN thời gian qua đó là quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng, nhưng nếu không có sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu thì quyết tâm chính trị cũng không thể trở thành hiện thực.

"Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra và ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với là thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Theo ông Học, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã rất kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Từ 2016 đến nay đã phát hiện 1.121 vụ án với 2.473 bị can tham nhũng; trong đó, chỉ có 38 vụ với 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ.

 5 năm qua, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người. 

Qua đó, xử lý nghiêm nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao có hành vi tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai.

"Chính phương châm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã tạo bước đột phá trong công tác PCTN, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho hay, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học . Ảnh: TN

“Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện xử lý”, ông Học nói và cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan đơn vị chưa tương xứng với số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý.

Đạn chiến trường không chết nhưng đạn "thị trường" thì chết

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương, nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật tương đối đầy đủ, vấn đề là người đứng đầu có làm hay không, đấy là cái gốc.

"Cũng cơ chế sao có người làm tốt, có nơi không tham nhũng? Tôi nghĩ rằng mọi nghị quyết, quy định, mọi lý luận đều phụ thuộc vào người đứng đầu thực hiện như thế nào trong thực tiễn", ông Phúc đặt vấn đề.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương

Ông Phúc nhắc đến vụ ông Đinh La Thăng lúc làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho cơ chế để Út Trọc thu phí cao tốc Trung Lương gây thiệt hại 725 tỷ đồng.

"Hiến pháp có rồi, luật đầy đủ rồi, nghị quyết của Đảng đầy đủ, còn lại phụ thuộc cuối cùng vào một nhân vật, đó là người đứng đầu có làm hay không? Nếu người đứng đầu làm từng ấy quy định, nghị quyết, tôi tin sẽ không có chuyện Ban Nội chính vất vả tham mưu, Ban Chỉ đạo PCTN họp liên tục như vậy", ông Phúc nói.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, qua các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy cấp trưởng thì “đổ” cho cấp phó, còn cấp phó “đổ” cho làm theo chỉ đạo của cấp trưởng.

“Người đứng đầu được giao nhiệm vụ quyền hạn vậy kiểm soát việc sử dụng chức vụ quyền hạn đó như thế nào? Chức vụ quyền hạn là được Đảng, nhân dân giao cho thì phải sử dụng cho đúng, chống lợi dụng và lạm dụng”, ông Thực phát biểu và cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà mình quản lý.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, có thế chọn đúng cán bộ và cán bộ phát huy rất tốt nhưng chỉ cần buông lỏng, thiếu rèn luyện là sa cơ lỡ vận như thường. "Đau lòng khi xử lý anh hùng lăn lộn chiến trường, bom đạn; đạn chiến trường không chết nhưng đạn "thị trường" thì chết", ông Phú nói.

Từ đó, ông Phú nhấn mạnh, trong nhiều giải pháp thì tựu chung phải nằm ở khâu chọn đúng người đứng đầu, trao quyền, bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ. “Khi chọn đúng người thì cần kiểm soát chặt chẽ để không bị tha hóa quyền lực”, GS.TS Phùng Hữu Phú kết luận hội nghị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm