Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 08/06/2022 - 16:00
(Thanh tra) - “Những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường sẽ được kiểm tra và xử lý. Thông qua kiểm tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về thị trường chứng khoán. Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Những dòng tiền, giao dịch bất thường sẽ được kiểm tra
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Tài chính đánh giá về mức độ “bong bóng” của thị trường chứng khoán hiện nay.
“Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán? Giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?”, ông Lâm chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, thị trường chứng khoán của Việt Nam phát triển mới được khoảng 22 năm, vẫn đang “rất non trẻ” nhưng đã thể hiện được sức mạnh của thị trường và sức mạnh của doanh nghiệp.
“Thị trường chứng khoán đã có bước phát triển rất tốt, tăng trưởng bình quân của giai đoạn từ năm 2016-2021 khoảng 26%”, ông Phớc nói.
Tuy nhiên, ông Phớc thừa nhận, trên thị trường chứng khoán vừa qua xảy ra một số hiện tượng như thao túng cổ phiếu; đưa thông tin sai sự thật; sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi đột ngột bán cổ phiếu…
Hay với trái phiếu doanh nghiệp thì cũng có doanh nghiệp đưa thông tin sai lệch, dùng công ty này để phát hành cho công ty kia…
“Báo cáo Quốc hội, chúng tôi đã cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Cùng giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, và tới đây là đề nghị sửa Luật Chứng khoán, trong đó quy định rõ điều kiện phát hành trái phiếu như doanh nghiệp phát hành phải có vốn chủ sở hữu, nợ trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, mục đích phát hành…
Bộ cũng đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi quá trình lên xuống đột ngột với các cổ phiếu. Các cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập một kênh, tức là một sàn riêng để theo dõi.
Tư lệnh ngành Tài chính đặc biệt nhấn mạnh giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.
“Những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường sẽ được kiểm tra và xử lý. Thông qua kiểm tra đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu.
Lạm phát tác động đến Việt Nam sẽ ít hơn
Vấn đề nữa được đại biểu quan tâm là lạm phát.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đặt vấn đề: Lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh. Chúng ta nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư đầu vào rất lớn. Điều đó có nghĩa là “nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát”.
Trong khi, giá xăng dầu trong nước cũng tăng rất cao, đẩy các mặt hàng khác cũng tăng giá. Cạnh đó, lại giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng nghĩa tăng thêm một lượng cung tiền vào nền kinh tế, sẽ tăng thêm áp lực của lạm phát.
“Bộ trưởng có giải pháp gì để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới?”, đại biểu đoàn Hà Nội hỏi.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện nay lạm phát đang là một vấn đề “hết sức nóng” và cũng “hết sức cần thiết” phải tập trung để chống. Theo ông, nếu không chống lạm phát thì không đảm bảo được an sinh xã hội, không đảm bảo phát triển, đời sống của người dân sẽ rất khó khăn.
Cho hay Mỹ lạm phát 8,3%, Châu Âu là 8%, Singapore 5,4%, Hàn Quốc 4,8%, Thái Lan 4,6%... Theo ông Phớc, Việt Nam hiện 2,25% dưới 4% - mức Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành.
Bộ trưởng Tài chính đồng tình, giá nguyên vật liệu ở nước ngoài tăng sẽ kéo theo giá ở trong nước tăng lên và cũng tăng thêm vấn đề lạm phát như xăng dầu, thép, phân bón…
Theo ông, Việt Nam có thế mạnh là tự chủ được về lương thực, thực phẩm, chiếm khoảng 40% trong “rổ” hàng hóa. Cho nên, lạm phát tác động đến Việt Nam sẽ ít hơn.
“Đây là một thời điểm vàng để đất nước ta có thể bứt phá phát triển. Nếu chúng ta lợi dụng hay tận dụng được cơ hội này để kiến tạo, phát triển thì chắc chắn chúng ta sẽ bật lên. Bởi các nước bây giờ áp lực lạm phát rất cao, nhưng chúng ta có độ trễ và tự chủ được tiêu dùng trong nước”, ông Phớc phát biểu.
Bộ trưởng Tài chính đề cập đến nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát. Trong đó, có chính sách tiền tệ, tài khóa; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; đảm bảo được an sinh xã hội; tái cơ cấu nền kinh tế; chuyển đổi số.
“Cốt lõi của nền kinh tế không hẳn chỉ có chính sách tài khóa, tiền tệ, mà cơ bản các chính sách đấy phải hướng đến doanh nghiệp và người dân. Người dân và doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có thu nhập, GDP tăng lên, nộp ngân sách tăng lên, giải quyết được việc làm và cuộc sống tốt sẽ giữ vững được chính sách tài khóa, tiền tệ, kể cả chính sách về thị trường chứng khoán”, ông Phớc nêu.
Giải trình cùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cung cấp thông tin cho thấy, những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát với 2,25%.
“Kiểm soát lạm phát thì điều rất quan trọng là phải phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Hiện nay, thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phải phân tích rất sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra sự kết hợp cho phù hợp”, Thống đốc Ngân hàng cho hay.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ năm 2019 đến nay, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã thực hiện 5 cuộc thanh tra trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị.
Nhật Minh
13:57 22/11/2024(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Phương Anh
06:00 22/11/2024Hoàng Nam
20:19 21/11/2024Trần Kiên
20:01 21/11/2024Thu Huyền
16:26 21/11/2024Trung Hà
Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam