Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TS. Đinh Thế Hiển: “Nên để cho doanh nghiệp có tiềm lực lớn nhập khẩu vàng”

Thanh Giang

Thứ tư, 13/11/2024 - 15:00

(Thanh tra) - TS. Đinh Thế Hiển nhận định nhu cầu vàng trong nước không quá lớn đến mức ảnh hưởng tới ngoại tệ. Vì thế, nên cho các doanh nghiệp có tiềm lực nhập khẩu vàng.

Thị trường vàng đã, đang và có nhiều biến động mạnh.

Thị trường vàng đã, đang và có nhiều biến động mạnh. Trong đó nổi bật nhất là chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước được rút ngắn rất nhanh. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng của người dân chưa được đáp ứng cũng là câu chuyện đáng bàn.

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng đã có những phân tích sâu sắc về thị trường vàng Việt Nam trong thời gian này.

Kéo chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước từ 20 triệu xuống 3 triệu là nỗ lực lớn

Thứ nhất, khi chúng ta nói là vàng thế giới và vàng trong nước không còn chênh lệch nhiều, chúng ta phải trở về xa xưa, trước năm 2012. Thời điểm đó, các chuyên gia cho thấy nếu mức chênh từ 400.000 đồng/lượng đến 1 triệu đồng/lượng (đã tính luôn cả thuế nhập khẩu) là hợp lý. Bây giờ, mức chênh 3 triệu đồng/lượng là tốt nhưng vẫn cao so với thời kỳ bình thường trước đây.

Dù vậy đây vẫn là điều tích cực lớn. Việc kéo mức chênh từ 20 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng là kết quả tốt của Ngân hàng Nhà nước. Tại sao, cơ quan chức năng có thể kéo rất nhanh, chỉ trong vòng mấy tháng như vậy?

Chúng ta cần nhận diện được sự chênh lệch. Sự chênh lệch này có yếu tố quan trọng là tâm lý tin rằng vàng tiếp tục khan hiếm nên người ta tiếp tục ra sức mua. Đến khi Ngân hàng Nhà nước giao cho 4 ngân hàng quốc doanh đưa ra thị trường lượng cung không quá lớn thì thị trường ổn định hơn.

Nên để cho doanh nghiệp có tiềm lực lớn nhập khẩu vàng

Nhu cầu vàng trong nước là có nhưng không quá lớn đến mức phải lo vấn đề nếu cân bằng cung cầu thì tốn ngoại tệ rất lớn. Việc tốn ngoại tệ hay không thì nên so với các ngành tiêu dùng khác.

Trong 10 tháng đầu năm, chúng ta nhập khẩu khoảng 312 tỷ USD. Nếu trừ đi nhập khẩu trang thiết bị thiết yếu cho sản xuất, thì lượng ngoại tệ dành cho tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng cao cấp như xe hơi, mỹ phẩm là không hề nhỏ. Đó cũng là chảy máu ngoại tệ nhưng chúng ta lại không đặt ra câu hỏi về vấn đề “tốn ngoại tệ” với hàng tiêu dùng cao cấp mà lại đặt ra với vàng.

Trong khi, với vàng, chúng ta tưởng mất ngoại tệ nhưng nó tồn tại dưới hình thức tài sản tích lũy. Kể cả chúng thuộc sở hữu của người dân thì vẫn là tích lũy quốc gia, chứ không phải tiêu sản như hàng hóa tiêu dùng cao cấp.

Vì vậy, cần phải có thống kê rõ ràng, hàng năm chúng ta bỏ ra bao nhiêu đô la để nhập vàng đáp ứng nhu cầu trong nước. Số tiền đó so sánh với số tiền chúng ta bỏ ra nhập khẩu hàng tiêu dùng cao cấp, từ đó thấy rằng thật sự nhập khẩu vàng đáp ứng cho nhu cầu mua vàng trong nước có làm nguồn ngoại tệ mất cân đối không?

Hơn nữa, rõ ràng khi nhập khẩu mà cơ quan chức năng tham gia điều tiết, thu thuế, lợi ích quốc gia vẫn có. Khi chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cao, quốc gia không được hưởng lợi, chỉ có buôn lậu, người dân đầu cơ hưởng lợi.

Còn người dân có mãi mãi bỏ tiền mua vàng không, số đó là bao nhiêu? Số đó không lớn. 10 năm nay chúng ta chưa nhập vàng nên độ nén cung cầu nhiều. Nếu mỗi năm chúng ta vẫn nhập vàng về theo lượng quản lý phù hợp thì giá vàng sẽ không còn là vấn đề cho nền kinh tế nữa. Giống như trước đây, khoảng năm 2008, 2009, ai muốn mua vàng thì… kệ, đó là nhu cầu của người dân mà thị trường đáp ứng được.

Nên có quota tính toán phù hợp với ngân sách nhập khẩu. Lượng vàng đó phải có điều tiết, phải có thu thuế. Chúng ta nên cho 2,3 công ty lớn, có uy tín,có chức năng hoạt động, có hệ thống kinh doanh vàng để họ tạo ra thương hiệu vàng của họ để đáp ứng nhu cầu người dân như trước đây. Cái đó là nên và cần thiết.

Tìm cách hạn chế người dân mua vàng là đi sai hướng

Dứt khoát, không nên lo lắng về tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không nên lo lắng nhu cầu đột biến của người dân. Không có người dân nào cắm đầu đi mua tài sản có khả năng sinh lời thấp, dù là vàng.

Đến lúc nào đó, người dân sẽ không còn lo lắng giữ vàng hay mua nhà đất. Đó là khi người dân tin vào đồng tiền không còn mất giá. Đồng tiền có giá trị, gửi vào ngân hàng, họ sẽ nhận được lãi suất thực dương.

Chúng ta thấy mấy năm nay Chính phủ điều hành đồng tiền rất tốt. Điều này được thể hiện qua CPI. Năm 2024, Nhà nước lo lạm phát khi mà bên Mỹ, lạm phát lên đến 6%. Từ đầu năm, Chính phủ lên kế hoạch CPI từ 4,25 đến 4,75%. Nhưng trong 10 tháng đầu năm, nhiều khả năng CPI sẽ dưới 4%. Bước sang năm 2025, 2026 CPI sẽ thấp hơn, chỉ từ 3 đến 3,2%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng dao động từ 4,5% đến 5%.

Đồng tiền Việt Nam rất tốt, rất tập trung. Và như vậy, khi nhận diện được giá trị đồng tiền, không ai đi mua đất, mua vàng vì sợ mất giá đồng tiền cả.

Chính phủ ngày càng đổi mới, quản lý hiện đại, đồng tiền giữ vững thì số người mua vàng, bất động sản sẽ giảm. Đây là điều cần làm, chứ không phải lo người dân cứ mải mua vàng nên tìm biện pháp hạn chế họ mua vàng.

Hướng đi đúng là “kệ người dân”, hãy điều tiết thị trường để cân đối cung cầu chứ không cứng nhắc hạn chế họ mua vàng. Khi Việt Nam đồng được điều hành tốt, người dân sẽ dần dần hiểu rằng đồng tiền có giá trị, sinh lời tốt hơn vàng nên họ chọn tiền.

Bên cạnh đó, cấu trúc dân số của Việt Nam đi từ nông nghiệp, công nghiệp và đô thị. Giới trẻ sinh ra và lớn lên gắn liền nếp sống đô thị nên họ không quá quan trọng tìm mọi cách để có căn nhà hay có 5,7 cây vàng “lận lưng” như thế hệ cha anh mình. Nên chăng, hãy để doanh nghiệp lớn cùng Chính phủ đóng góp vào việc cân bằng thị trường vàng như vốn có?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

(Thanh tra) - Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13/01/2025 đến 12/02/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Trần Quý

12:40 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm