Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội

Thái Hải

Thứ năm, 11/04/2024 - 06:30

(Thanh tra) - Trong năm 2024, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024; huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống.

Tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Ảnh minh họa

Trong năm 2023, hệ thống NHCSXH đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng tốt, vừa triển khai kịp thời các chương trình cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và chương trình tín dụng mới.

Chủ động bám sát Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chỉ thị số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023; Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt hơn 346.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 39.174 tỷ đồng, tăng 8.573 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 332.000 tỷ đồng với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đặc biệt, NHCSXH đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đến hết năm 2023, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 38.400 tỷ đồng, với 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao trong 2 năm 2022 - 2023.

NHCSXH đã giải ngân tổng số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 158.994 tỷ đồng, cho hơn 3,3 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền cả giai đoạn 2022 - 2023 là 2.995,2 tỷ đồng.

Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,57% trên tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn chiếm 0,16%, nợ khoanh chiếm 0,41%.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của NHCSXH thời gian vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước nhưng hệ thống NHCSXH đã nỗ lực, vượt qua khó khăn vừa đảm bảo được chất lượng tín dụng tốt, đồng thời triển khai kịp thời các Chương trình cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và chương trình tín dụng mới. Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã được Đảng, Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo cán bộ, phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ năm 2024. Tăng cường công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của NHCSXH.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn "nước rút" cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm, nhu cầu về vốn vì thế cũng tăng đột biến. Gói ưu đãi lãi suất đặc biệt với tổng hạn mức 6000 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai từ nay cho đến 31/1/2025 nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

16:43 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm