Màu sáng là chủ đạo với khoảng 7,3 triệu khách, nhưng vẫn có những mảng màu trầm, chỉ có khoảng 300.000 khách quốc tế, khoảng 50% đi du lịch nhưng không lưu trú ở nơi đến. Nhiều người chọn đi về trong ngày ở một địa điểm trong phạm vi cho phép vừa để tiết kiệm chi phí nhưng cũng có ý kiến rằng họ có lưu trú cũng không có dịch vụ để chơi, giữ chân họ.

Liên quan đến điều này, một vị chủ tịch tỉnh ở phía Nam cho rằng, nếu cứ giới nghiêm 23 giờ đóng cửa các dịch vụ ở tỉnh của ông thì chẳng có khách nào tiêu tiền tại địa phương này cả, điều này sẽ làm thất thu dịch vụ du lịch. Từ điều này nhìn rộng ra mới thấy không chỉ có địa phương này mà lệnh đóng cửa một số dịch vụ sau 23h được áp dụng ở nhiều nơi. Quan điểm này nhằm đảm bảo an ninh, trật tự nhưng rõ ràng đã bỏ qua các nhu cầu thực khách và bỏ lỡ nguồn thu.

Có lẽ phải tính đến việc phát triển mạnh kinh tế đêm như kiểu Thái Lan, Hồng Kông ở ngành dịch vụ không khói này, nếu không chúng ta đang chậm phục hồi và mất đi tiềm năng so với những nước khác. Chúng ta phải nghĩ đến một cơ chế quản lý mới thích hợp và đáp ứng để du lịch phát triển, chứ không phải chỉ giới hạn các hoạt động du khách và dịch vụ ở những khung giờ nhất định.

Cũng liên quan đến nghỉ lễ, dư luận mạng xôn xao vì một đoàn khách ở Hà Nội dừng ăn ở Quảng Bình đã ra đi mà không hề thanh toán với nhà hàng ở thời điểm đó. Sau một hồi truy tìm và thông tin vụ việc trên mạng, khoản tiền 2,6 triệu cũng đã trả về đúng tài khoản. Dù vậy hành vi này để lại trong lòng người theo dõi nhiều suy nghĩ. Văn hoá du lịch rất cần ngay cả với những du khách chứ không phải chỉ dành cho những điểm dịch vụ du lịch. Việc ăn hàng không thanh toán và bỏ đi dù có giải thích hợp lý thế nào chăng nữa cũng là hành vi không đẹp và ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt nói chung. Nhưng từ thông tin của sự kiện trên cũng cho thấy việc quá tải lượng khách đã làm chất lượng dịch vụ của nhà hàng này đã làm nhiều người thất vọng, trong đó có nhóm khách, vì sự chậm chễ và thiếu chuyên nghiệp.

Du lịch Phú Quốc năm nay xem ra không vui như dự đoán, vì lượng khách sụt giảm khoảng 11,5% so với trước đó. Nguyên nhân giải thích từ việc này thì có nhiều như giá vé máy bay tăng, vì Covid-19 có dấu hiệu trở lại nên nhiều người không đến đây. Các giải thích dường như là khách quan, nên một câu hỏi đặt ra là liệu còn có lý do chủ quan khác?

Nhiều người từng đến Phú Quốc rồi đều cho rằng chủ yếu đến cho biết, chứ nhìn chung so với những điểm du lịch khác thì giá cả dịch vụ ở đây khá đắt đỏ. Nếu du lịch mới chỉ khai thác bộ mặt từ cảnh quan, nhà hàng, khách sạn thì về lâu dài cũng chưa đủ. Điều quan trọng là phải xây dựng được một chiến lược về những con người làm du lịch.

Có ý kiến cho rằng: “Dường như người dân Phú Quốc chưa có cái nhìn về tầm quan trọng của du lịch ở địa phương mình, không nghĩ tới cái chung mà chỉ nghĩ tới cái riêng cho mình. Cộng đồng dân cư chưa có hình thức lên án hay tẩy chay những địa chỉ nào làm ăn gian dối hay “chặt chém”. Chính quyền cũng không mạnh tay với tình trạng này nên nó cứ xảy ra như chuyện bình thường. Phú Quốc lợi thế cạnh tranh là biển đảo, thời tiết 4 mùa đều tốt, còn lại chẳng có gì cả, nên con người ở đây cực kỳ quan trọng”.

Ý kiến trên làm nhiều người chúng ta suy nghĩ về chiến lược du lịch và cách làm du lịch phải hướng tới chiều sâu và bền vững hơn.

Ngô Quốc Đông