Ngày 27/6/2024, Thanh tra Sở Tài chính Hà Tĩnh ban hành Kết luận thanh tra số 26/KL-TTr, về việc thanh tra công tác quản lý tài chính, ngân sách tại Sở KH&CN và các đơn vị trực thuộc.
Thanh tra Sở Tài chính đã chỉ ra một số ưu điểm trong công tác quản lý ngân sách tại Sở KH&CN và các đơn vị trực thuộc. Nhìn chung công tác quản lý, sử dụng tài chính ngân sách và chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực kế toán, quản lý tài sản công tại các đơn vị được thanh tra đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, Sở KH&CN đã tiến hành lập dự toán thu - chi tại Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc đúng quy trình, thủ tục, đúng thời gian quy định; phân bổ kinh phí chi thường xuyên trên cơ sở đảm bảo chi cho con người, số còn lại phân bổ theo định mức có điều chỉnh. Công tác quyết toán cho các đơn vị trực thuộc, văn phòng tổng hợp chung toàn ngành gửi Sở Tài chính đúng thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính.
Các đơn vị đã ban hành quy chế chi tiêu và sử dụng tài sản công, các nội dung chi tiêu đã bám sát vào quy chế, có công khai tài chính, công khai tài sản, sử dụng các nguồn kinh phí không tự chủ cơ bản đúng mục đích được giao.
Kinh phí sự nghiệp KH&CN bố trí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thực hiện cơ bản hiệu quả, nhiều tiến bộ KH&CN được ứng dụng, triển khai, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành theo kế hoạch đề ra.
|
|
Dự án chăn nuôi bò tại Hương Khê. Ảnh: LHC |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Sở Tài chính chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngân sách tại Sở KH&CN và các đơn vị trực thuộc. Qua thanh tra tại 4 dự án đều phát hiện sai phạm:
Dự án Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bột dinh dưỡng từ nguyên liệu gạo thảo dược VH1. Tổng kinh phí thực hiện dự án 8,9 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách 866 triệu đồng. Chi phí tiền công thực hiện sản xuất sản phẩm thương mại bột dinh dưỡng từ nguyên liệu gạo thảo dược Vĩnh Hòa (số lượng 20 tấn) số tiền 47.796.000 (nguồn ngân sách) ở hai chứng từ UNC (ngày 18/5/2023: 23.898.000 đồng; ngày 29/9/2022 số tiền 23.898.000 đồng). Chi phí này không hợp lý vì hồ sơ thanh lý nguồn đối ứng không có. Hồ sơ nghiệm thu không thể hiện chi phí sản xuất 20 tấn sản phẩm.
Dự án Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng bằng quy trình tuần hoàn nước tại huyện Lộc Hà. Tổng giá trị dự án hơn 2 tỷ đồng. Trong đó ngân sách cấp 670 triệu đồng, nguồn đối ứng của dân 1,37 tỷ đồng. Quá trình lập dự án không thể hiện được dự án sẽ thực hiện tại vị trí nào của xã; không có thiết kế các bể nuôi để cho hộ dân triển khai thực hiện đúng theo nội dung dự án đề xuất; việc mua và bàn giao 1 lần 9.350kg thức ăn cho 25.000 con lươn giống là chưa hợp lý. Việc mua thức ăn phục vụ dự án giá trị 52,9 triệu đồng chưa đúng quy định tại Thông tư 58/2016/TT-BTC, chưa thể hiện việc mua bán và bàn giao đến tận người dân.
2 dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản tạo con lai 3 máu chuyên thịt tại Hương Khê” và “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống Ngao (Meretrix lyrata) tại tỉnh Hà Tĩnh” chỉ có thanh lý tiền ngân sách không có phần đối ứng thực hiện dự án.
Công tác kế toán còn có một số tồn tại từ khâu lập chứng từ kế toán, sổ sách, hạch toán, kiểm kê, công khai cụ thể như: Các đơn vị có các quyết định công bố công khai ngân sách và bảng số liệu kèm theo tuy nhiên chưa có hồ sơ thể hiện việc công khai như biên bản niêm yết công khai, thời gian công khai. Các đơn vị có biên bản kiểm kê tài sản vào cuối kỳ kế toán năm nhưng không có đánh giá tình trạng tài sản.
Công tác quản lý tài sản: Chưa cập nhật kịp thời các chính sách chế độ mới; việc hạch toán, phản ánh các tài sản chưa chính xác trong sổ sách. Hiện tại Trung tâm Ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa tiến hành chuyển đổi hình thức sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; một số đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, hoạt động kinh doanh nhưng chưa xây dựng đề án để gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Chịu trách nhiệm trước các tồn tại, hạn chế về công tác quản lý, sử dụng ngân sách thuộc về Giám đốc Sở, các Phó Giám đốc Sở phụ trách đơn vị - lĩnh vực, Giám đốc - Chi cục trưởng các đơn vị tại thời kỳ thanh tra với vai trò người đứng đầu đơn vị, trực tiếp quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí. Trách nhiệm trực tiếp trong việc thực hiện các dự án có vi phạm thuộc về các cá nhân, tập thể liên quan và các bộ phận trực tiếp thực hiện các đề tài, dự án. Tồn tại công tác kế toán, quản lý tài sản công trách nhiệm thuộc về các cán bộ kế toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Với những tồn tại hạn chế nêu trên, Thanh tra Sở Tài chính Hà Tĩnh yêu cầu Sở KH&CN chỉ đạo các đơn vị được thanh tra quán triệt nghiêm túc, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, hạn chế mà kết luận thanh tra đã chỉ rõ. Tăng cường công tác thẩm định dự toán đầu năm, thẩm tra quyết toán cuối năm; kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng các nguồn kinh phí, quản lý tài sản công, công tác kế toán.
Về xử lý kinh tế, yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính số tiền 111 triệu đồng và phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán số tiền 8 triệu đồng.