Một số công dân thường trú tại ngõ 15, phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội, có đơn tố cáo với nội dung: UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho ông Lê Công không đúng thẩm quyền tại địa chỉ lô đất B3, phía Nam số 13 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, cụ thể:

Ngày 24/9/2019, UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ số 477 cho hộ gia đình ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh, tại địa chỉ lô đất B3, phía Nam số 13 phố Sơn Tây, phường Điện Biên với quy mô 5 tầng nổi và 1 tầng hầm.

Ngày 18/12/2019, UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng số 617 điều chỉnh Giấy phép xây dựng số 477 với quy mô 5 tầng nổi và 4 tầng hầm (tăng 3 tầng hầm).

Qua nghiên cứu hồ sơ và các văn bản quy phạm pháp luật về cấp giấy phép xây dựng, Thanh tra Chính phủ nhận thấy: Đối tượng “công trình xây dựng” theo quy định tại Điều 91 và đối tượng “nhà ở riêng lẻ” theo quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng năm 2014 là hai đối tượng riêng biệt, được cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Xây dựng) quy định thực hiện bởi các văn bản hướng dẫn chi tiết khác nhau (Thông tư số 03/2016/TT-BXD hướng dẫn phân loại, phân cấp đối với công trình xây dựng; Thông tư số 05/2015/TT-BXD hướng dẫn quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ).

Quy định về xác định thẩm quyền trong công tác cấp giấy phép xây dựng tại Thông tư số 15/2016/TT-BXD đã thể hiện rõ: Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với “công trình xây dựng” cấp I, cấp II; UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với “công trình xây dựng” còn lại và “nhà ở riêng lẻ” là phù hợp và thống nhất với quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014.

Các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng hiện nay chưa có hướng dẫn, điều chỉnh hành vi (cho phép/cấm) về số tầng hầm hoặc chiều sâu ngầm đối với đối tượng “nhà ở riêng lẻ”.
Sau khi đối chiếu quy định của pháp luật về xây dựng và cấp phép xây dựng công trình, Thanh tra Chính phủ nhận thấy còn một số khái niệm chuyên ngành chưa được quy định chi tiết, dẫn tới tình trạng hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn, cũng như gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình xem xét, giải quyết, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Để có cơ sở kết luận vụ việc một cách khách quan, chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật, ngày 24/2/2021, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 272 gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến hướng dẫn và làm rõ một số khái niệm, thuật ngữ, quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngày 12/4/2021, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1196 phúc đáp, trong đó nêu rõ: “Hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ giới hạn về quy mô nhà ở riêng lẻ có liên quan đến thẩm quyền cấp phép xây dựng. Do vậy, việc xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong một số trường hợp cần được quy định cụ thể hơn nữa ở các địa phương. Việc xem xét cấp giấy phép xây dựng phải tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, quy hoạch xây dựng được phê duyệt, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan”.

Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, vụ việc hiện thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xem xét, giải quyết của UBND TP Hà Nội. Nội dung vướng mắc chính để giải quyết vụ việc liên quan đến việc xác định thẩm quyền của cơ quan cấp giấy phép xây dựng, thuộc chuyên ngành quản lý của Bộ Xây dựng, cần phải được giải quyết thông qua một cuộc thanh tra chuyên ngành.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Quang Minh