Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác thanh tra góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba, 12/01/2021 - 06:00

(Thanh tra) - Hôm nay (12/1), Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác ngành Thanh tra năm 2021.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã có những đóng góp nhất định vào kết quả chung của cả nước. Ảnh: Lỗ Loan

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm cuối của Kế hoạch 05 năm 2016-2020, năm tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyển cơ quan điều tra xử lý 97 vụ, 99 đối tượng

Trong giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, TTCP và toàn ngành Thanh tra đã có những đóng góp nhất định vào kết quả chung của cả nước, thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

So với nhiệm kỳ trước, số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng trên 83%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần, số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt là trên 56% và trên 92%. Trong số đó, TTCP đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng.

Đặc biệt, năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID -19, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã tập trung chỉ đạo, đề ra phương án điều hành linh hoạt để ứng phó với đại dịch, đảm bảo thực hiện “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “mục tiêu kép”; kịp thời triển khai và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên để xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nhất là triển khai các nhiệm vụ được giao tại nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Nhiều đơn vị đã kịp thời rà soát, điều chỉnh việc triển khai kế hoạch thanh tra đối với doanh nghiệp; một số đơn vị đã thí điểm thực hiện công tác thanh tra theo phương thức mới. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra đã được cải thiện rõ rệt. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra được thanh tra các địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Việc tham mưu ban hành định hướng chương trình thanh tra năm 2021 và tổ chức thực hiện có nhiều điểm mới, bám sát chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế.

Năm 2020, toàn ngành đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và nhiều cá  nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Toàn ngành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.465 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 9.143 tỷ đồng (đạt 67%), 148 ha đất (đạt 70%), đôn đốc xử lý 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 12 vụ, 12 đối tượng.

Kiến nghị thu hồi và trả lại cho công dân 894 tỷ đồng

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) tiếp tục được quan tâm, trong đó tập trung góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp.

Tình hình KNTC năm 2020 có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2019, tỷ lệ giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền đạt mục tiêu đề ra (trên 85%); các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, tổ chức.

Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 384.435 lượt công dân (giảm 17,4% so với năm 2019); có 3.479 lượt đoàn đông người (giảm 18%); xử lý 180.204 đơn đủ điều kiện; giải quyết 22.133 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 85,6%. Thông qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 894 tỷ đồng, trên 107 ha đất; trả lại quyền lợi cho 993 người, kiến nghị xử lý hành chính 503 người, chuyển cơ quan điều tra lý 3 vụ, 3 đối tượng.

Công tác phối hợp tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch về tiếp công dân, giải quyết KNTC phục vụ các ngày lễ, tết và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ và trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về KN, TC và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết KNTC đảm bảo thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Năm 2020, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tăng cường, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc công khai kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong năm 2020, trên cơ sở đề xuất sửa Luật Thanh tra năm 2010 của TTCP, Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội. Hiện nay, TTCP đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), dự kiến báo cáo Chính phủ cho ý kiến vào tháng 5/2021

Tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

TTCP cho biết, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030.

TTCP tăng cường chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp, các ngành, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu. Hoạt động của các cơ quan thanh tra cần bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay. Bám sát định hướng công tác thanh tra năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.

Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất là trên các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Thực hiện tốt kế hoạch, phương án tiếp công dân, giải quyết KNTC phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của TTCP Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC. Triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN khu vực ngoài Nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng... tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Thái Hải - N.Nhuần

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch

Công tác thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch

(Thanh tra) - Theo Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Thanh Liêm, năm 2024, Thanh tra ngành VHTTDL bám sát kế hoạch thanh tra được phê duyệt và nỗ lực tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp công tác quản lí nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao.

Thái Hải

06:42 04/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm