3/4 D.A này mới được Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ ra hàng loạt sai phạm. Theo nguồn tin riêng của Báo Thanh tra, Bộ GTVT “chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của TTCP”, mặc dù các kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, có văn bản chỉ đạo. Trong số này, Báo Thanh tra xin trở lại kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng tại D.A đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Đã được “châm chước” 174 tỷ đồng


Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là D.A thành phần của D.A đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ, đi qua địa phận TP HCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. D.A do Bộ GTVT là chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1286 năm 2004.

D.A được chia thành 17 gói thầu và thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán từ khi bắt đầu thực hiện đầu tư với 57/66 hợp đồng. Theo đó, cơ quan này đã đề nghị giảm chi phí đầu tư trên 198 tỷ đồng. Sau đó, lại đồng ý bổ sung thủ tục không thu hồi trên 174 tỷ đồng, thực tế thực hiện thu hồi, giảm thanh toán trên 6 tỷ đồng.

TTCP tiến hành thanh tra một số hợp đồng thuộc 8/17 gói thầu. Tính đến thời điểm thanh tra, D.A đã thực hiện và được nghiệm thu thanh toán với tổng giá trị 8.077,541 tỷ đồng, đạt 81%. Tuy nhiên, nhiều khuyết điểm, sai phạm đã được chỉ ra.

Giai đoạn nào cũng sai phạm
 
Sớm thành lập tổ đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra

Lãnh đạo TTCP cho biết, việc thành lập tổ công tác đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra tại D.A đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ sớm được thực hiện. Kết luận mới đây của vụ chức năng đã chỉ ra rất chi tiết các sai phạm trong quá trình thực hiện D.A này. Kết luận này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình và giao các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, đến hết thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 505/VPCP-KNTN, việc thực hiện các kết luận này vẫn chưa nghiêm túc. Do vậy, việc đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra là việc TTCP sớm làm để bảo đảm các kiến nghị này có hiệu lực trong thực tế theo qui định tại Luật Thanh tra năm 2010.
Kết luận thanh tra cho thấy, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chất lượng chuẩn bị đầu tư thấp; tư vấn lập D.A, tư vấn thẩm định không nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế và thẩm định dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo Quyết định đầu tư số 1286 của Thủ tưởng Chính phủ, D.A này có tổng mức đầu tư là 6.555 tỷ đồng. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không quá 9.887 tỷ đồng. Việc điều chỉnh bổ sung các hạng mục được điều chỉnh gồm giá vật liệu, nhân công, máy thi công... đã  làm tăng không hợp lý tổng mức đầu tư trên 3.329 tỷ đồng. Trong tổng số 26 hạng mục không được điều chỉnh có 9 hạng mục liên quan đến biện pháp thi công, chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu như thay đổi gối cầu, biện pháp thi công hạ bộ cầu Bến Lức - Tân An, điều chỉnh móng cọc khoan nhồi đối với cầu cạn là không đúng với Điều 7, Nghị định 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quản lý chi phí đầu tư và xây dựng dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư trên 673 tỷ đồng.

Trong thực hiện đầu tư D.A, việc khảo sát địa chất không phản ánh hết được điều kiện địa chất khu vực xây dựng; một số hạng mục chưa cập nhật hết điều kiện địa chất bình thường dẫn đến kết quả tính toán về tốc độ lún, chiều cao gia tải, thời gian gia tải và thời gian gia tải sai khác với thực tế, không bảo đảm so với quy định; thiết kế tính thiếu đồng bộ về kích thước hình học của dải phân cách tuyến cao tốc dẫn đến có đoạn không xử lý được việc chống lóa mắt của đèn pha chạy ngược chiều về ban đêm; D.A không thực hiện khoan khảo sát trong bước thiết kế thi công bản vẽ thi công mà tận dụng lại số liệu khoan địa chất bước thiết kế là sai quy định của Bộ Xây dựng. Hiện nay, một số gói thầu vẫn còn lún khi đưa vào khai thác sử dụng và tiếp tục bù lún bằng bê tông nhựa hạt mịn, gây thiệt hại kinh tế của D.A; việc Ban Quản lý (BQL) D.A Mỹ Thuận vẫn chưa làm đầy đủ các thủ tục để yêu cầu Bảo hiểm AAA thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật là không đúng.

Việc áp dụng định mức cấp phối bê tông đối với đầm Supre Tee cao hơn giá trị mức ban hành tại Quyết định số 2880, nhưng BQL D.A Mỹ Thuận không điều chỉnh giá trị đã thanh toán cho nhà thầu với số tiền chênh lệch tăng trên 12 tỷ đồng, gồm: Tổng Cty Xây dựng Thăng Long, Cty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới, Cty Cổ phần Vinaconex Sài Gòn.

Đặc biệt, đã xảy ra sự cố tại cầu chợ Đệm ngày 10/3/2009, việc bục đáy trụ T3 cầu Bến Lức; việc sụt trượt tại đoạn thuộc hợp đồng 7.6; việc lún nền của gói thầu số 9. Theo đó, tại nhịp thông thuyền dầm số 9 bị gãy làm 3 đoạn và sập đổ làm ảnh hưởng đến 2 giá long trên trụ P8, P9  sập đổ đè lên dầm số 10 làm dầm này nghiêng và cong về phía hạ lưu. Đến thời điểm thanh tra, tổn thất do bục đáy trụ T3 cầu Bến Lức chưa được bên bảo hiểm bồi thường. Tổng giá trị để khắc phục sự cố do Cty 473 ước khoảng 8,5 tỷ đồng. Giá trị phần khối lượng đã thi công (trước khi sụt trượt) được nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu trên 9,7 tỷ đồng và chưa được BQL D.A Mỹ Thuận làm thủ tục đầy đủ để Bảo hiểm AAA thực hiện bồi thường. Việc lún nền đường của gói thầu số 9 ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Và, hiện tại gói thầu này vẫn tiếp tục lún.

Về việc nghiệm thu thanh quyết toán, BQL D.A Mỹ Thuận đã nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu khi chưa đủ cơ sở, sai về cơ sở, khối lượng, định mức, đơn giá với tổng giá trị trên 32 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, BQL D.A MỸ Thuận đã thu hồi trên 11 tỷ đồng; bổ sung các thủ tục thanh toán trên 6 tỷ đồng; còn lại trên 15 tỷ đồng đã thanh toán cho nhà thầu do sai khối lượng, đơn giá, định mức nhưng Ban chưa thực hiện thu hồi. Các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cho phép BQL D.A Mỹ Thuận áp dụng tỷ lệ tiết kiệm 2% trong khi còn có ý kiến khác nhau về việc xác định thời gian hoàn thành, nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định.

Trách nhiệm trước hết thuộc Bộ GTVT và các đơn vị liên quan

Theo TTCP, để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GTVT và các đơn vị: BQL D.A Mỹ thuận, Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, Tư vấn QCI, Tư vấn thiết kế Trường Sơn - Bộ Quốc Phòng, Cty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng đối với các D.A thuộc về các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng.

Từ các sai phạm trên, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 99/NĐ-CP; đồng thời xem xét để có kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với một số nội dung trong Nghị định; tổng kết việc áp dụng tỷ lệ tiết kiệm trong các D.A chỉ định thầu; yêu cầu các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm đã nêu.
 
Tại kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT:

- Báo cáo giải trình việc điều chỉnh, bổ sung 8 hạng mục liên quan đến kỹ thuật, biện pháp thi công làm tăng tổng mức đầu tư số tiền trên 673 tỷ đồng.

- Báo cáo giải trình trên 209 tỷ đồng BQL D.A Mỹ Thuận đã thanh toán cho nhà thầu do giảm tỷ lệ tiết kiệm từ 5% xuống 2% để Thủ tướng Chính Phủ xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo BQL D.A Mỹ Thuận tiếp tục thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà Nước; thu hồi của các nhà thầu khi quyết toán các gói thầu trên 15 tỷ đồng, trong đó: Gần 3 tỷ đồng do thanh toán sai khối lượng, đơn giá, định mức; trên 12 tỷ đồng do điều chỉnh định mức cấp phối bê tông C50 đức dầm Super Tee của Tổng Cty Xây dựng Thăng Long, Cty Cổ phần Vinaconex Sài Gòn, Cty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới.

- Chỉ đạo BQL D.A Mỹ Thuận tiến hành các thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với gói thầu số 7 và số 3 theo quy định.

- Đánh giá về thiệt hại kinh tế do phải bù lún bằng bê tông nhựa hạt mịn trong thời gian tới.

- Giao Hội đồng nghiệm thu Nhà nước khi nghiệm thu chất lượng cần chú ý những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đánh giá, báo cáo lún tiếp theo.
 
Thúy Nhài - Thái Hải