Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tín dụng chính sách xã hội: Giải pháp căn cơ, sáng tạo để Bắc Giang giảm nghèo nhanh chóng

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 24/08/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Nói về vai trò của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang luôn xác định, sử dụng hiệu quả nguồn lực TDCSXH là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Ảnh: NĐ

Đồng thời, coi nhiệm vụ phát triển TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị, địa phương.

TDCSXH phủ rộng khắp 100% xã, phường

Ông Thái cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực cho TDCSXH; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất huy động các nguồn lực, lồng ghép, gắn kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn TDCSXH trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh...

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình TDCSXH, với tổng dư nợ đạt 6.317 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm gần 19%, với 109.741 khách hàng còn dư nợ.

Vốn TDCSXH được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó được ưu tiên tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đã giúp cho trên 752 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 17,4 nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống; giúp cho gần 184 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và trên 90 nghìn hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm mới cho trên 72 nghìn lao động. Nguồn vốn này đã từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,67% (năm 2005) xuống còn 3,81% (năm 2022), theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

TDCSXH là giải pháp căn cơ, sáng tạo để Bắc Giang giảm nghèo nhanh chóng. Ảnh: NĐ

Bổ sung nguồn vốn, mở rộng đối tượng cho vay

Từ thực tiễn triển khai và hiệu quả sử dụng TDCSXH tại địa phương, ông Thái cho rằng, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục tập trung huy động nguồn lực cho TDCSXH, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân tại địa phương, bảo đảm bổ sung đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình TDCSXH trên địa bàn.

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống NHCSXH tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCSXH, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác.

Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với hoạt động TDCSXH; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giám sát cộng đồng nhằm phát hiện, ngăn ngừa, uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời sai sót, tồn tại trong triển khai thực hiện chính sách.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng cho biết, khi phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng về lao động, nhất là lao động qua đào tạo rất khó khăn, đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân.

Do vậy, ông Thái đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, báo cáo và đề xuất với Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng đối tượng cho vay để đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm. Bổ sung thêm chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn TDCSXH để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy lùi và từng bước xóa bỏ nạn “tín dụng đen”.

“Với hệ thống mạng lưới xuống đến tận thôn, xã, nếu có nguồn lực tập trung để triển khai thực hiện và mở rộng đối tượng, hiệu quả đồng vốn cho vay sẽ tốt hơn", ông Thái nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm