Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sóc Trăng: Người nuôi tôm còn đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn

Xuân Cảnh

Thứ tư, 23/02/2022 - 13:30

(Thanh tra) - Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, sau nhiều năm nuôi tôm ao đất, nông dân còn đối mặt với nhiều rủi ro do môi trường ô nhiễm. Nhiều hộ dân không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, khôi phục sản xuất…

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: XC

Ngày 23/2, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nuôi trồng thủy sản. Hội nghị nhằm tìm giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế rủi ro, tăng năng suất và giá trị cho con tôm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết: Năm 2021, địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế dương, đạt 1,18%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh thế mạnh về cây lúa với các loại giống đặc sản, Sóc Trăng còn có ngành kinh tế mũi nhọn là thủy sản, với diện tích thả nuôi trên 76.000ha.

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của địa phương đạt hơn 339.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm gần 271.300 tấn.

Riêng tôm nước lợ, Sóc Trăng có diện tích thả nuôi 53.000ha. Trong đó, khu vực nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm gần 94%, tỷ lệ thiệt hại khoảng 6% (giảm 2% so với năm 2020), đạt sản lượng 183.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD.

Ông Vương Quốc Nam cho biết, sau 20 năm nuôi tôm ao đất, nông dân còn đối mặt với nhiều rủi ro do môi trường ô nhiễm. Đặc biệt, nhiều hộ dân không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, khôi phục sản xuất, mở rộng diện tích và chuyển đổi mô hình nuôi.

Theo thống kê, các cơ sở tín dụng đã cho vay nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng với dư nợ gần 6.900 tỷ đồng, chiếm 14,4% trên tổng dư nợ toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, con số này vẫn chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng và quy mô của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các ngân hàng có những giải pháp để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp, hộ dân.

Ngành Nông nghiệp cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất.

“Đối với người nuôi tôm, cần chuyển đổi mô hình nuôi ao đất sang ao trải bạt, có những mô hình khép kín, nhiều giai đoạn để hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thời tiết bất lợi… Các công ty, doanh nghiệp phải cung ứng đầu vào cho sản xuất và thu mua, chế biến sâu các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là sự liên kết chặt chẽ, tạo thêm nhiều lợi ích cho người nuôi tôm”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm