Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nợ thuế, thua lỗ triền miên vì sao công ty của vợ Chủ tịch Nam Á Bank vẫn được bơm tiền làm dự án?

Giang Sơn

Thứ ba, 22/03/2022 - 12:04

(Thanh tra) - Thua lỗ triền miên dẫn đến âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng, nợ phải trả thường xuyên ở mức cao trên 1.500 tỷ bên cạnh những tai tiếng liên quan đến nợ thuế, ngân sách đã làm rấy lên nghi ngờ về năng lực tài chính của Hoàng Gia Đà Lạt.

Nam Á Bank bơm tiền cho công ty vợ chủ tịch mở rộng dự án dù nợ thuế

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng mới đây đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư về năng lực tài chính để mở rộng quy mô đầu tư dự án khu nghỉ mát Đà Lạt của Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt.

Theo đó, Hoàng Gia Đà Lạt đề nghị điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 875,6 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu hơn 848 tỷ đồng và vốn huy động gần 1.652 tỷ đồng). Diện tích đất sử dụng mở rộng quy mô đầu tư hơn 62 ha, tiến độ thực hiện từ 2022 - 2025. Múc đích sử dụng, Hoàng Gia Đà Lạt sẽ bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng mới công viên chuyên đề, công trình tòa nhà CLB Golf tại Sân Golf Đồi Cù.

Dự án khu nghỉ mát Đà Lạt có quy mô khoảng 71,4ha tại TP Đà Lạt, gồm sân golf 18 lỗ, khách sạn Dalat Palace, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài….

Dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư từ năm 1991 và trải qua 9 lần điều chỉnh chứng nhận (gần nhất là tháng 7/2018). Với tổng vốn đầu tư khoảng 875,6 tỷ đồng, dự án có thời hạn hoạt động 50 năm (tính từ năm 1991).

Về khả năng huy động gần 1.652 tỷ đồng, ngày 8/3 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) có cam kết cấp tín dụng số 331/2022. Trong đó đồng ý xem xét cấp cho Công ty Hoàng Gia Đà Lạt số tiền gần 1.652 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục nêu trên nếu công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Thời hạn có hiệu lực đến hết ngày 31/12.

Sở Tài chính cho rằng năng, lực tài chính theo hồ sơ của Hoàng Gia Đà Lạt là đảm bảo để mở rộng quy mô dự án khu nghỉ mát Đà Lạt.

Trước đó, khi Hoàng Gia Đà Lạt có hồ sơ xin điều chỉnh dự án vào đầu tháng 6/2021, Sở Tài chính cũng đã có văn bản khẳng định công ty không nợ các khoản thu do đơn vị theo dõi, quản lý.

Tuy nhiên, UBND TP Đà Lạt lại cho biết, Hoàng Gia Đà Lạt nợ tiền ngân sách liên tiếp 3 năm từ 2017 đến 2019 với số tiền gần 32 tỷ đồng. Trong đó nợ ngân sách gần 30,8 tỷ đồng và hơn 1,2 tỷ tiền chậm nộp. Đến thời điểm tháng 6/2021, công ty này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nêu trên nên chính quyền TP Đà Lạt yêu cầu doanh nghiệp này nhanh chóng chấp hành.

Ngoài ra, theo thông tin từ Cục thuế Lâm Đồng, tính tới hết tháng 8/2021, ghi nhận 44 doanh nghiệp nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, với tổng số tiền thuế nợ khoảng 115 tỷ đồng trong đó Hoàng Gia Đà Lạt đứng đầu với số nợ lên tới 60,8 tỷ đồng.

Lỗ triền miên đến âm vốn chủ sở hữu

Hoàng Gia Đà Lạt được thành lập vào tháng 8 năm 1991, tiền thân là Công ty TNHH Một thành viên Khu nghỉ mát Đà Lạt sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Khu nghỉ mát Đà Lạt (29/06/2019). Người đại diện trước pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Công ty tới thời điểm hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Vũ (sinh năm 1985).

Tháng 4/2016, bà Dương Trương Thiên Lý đầu tư vào doanh nghiệp này, nắm giữ 78% vốn điều lệ và trở thành chủ sở hữu tổ hợp khách sạn, sân golf Đà Lạt. Ông Trần Khải Hoàn và bà Đào Thị Hiền mỗi người nắm giữ 11% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của công ty này là 848 tỷ đồng.

Theo công bố thông tin gần nhất (tháng 9/2019), bà Dương Trương Thiên Lý là cổ đông lớn nhất sở hữu 78% cổ phần (giá trị hơn 661 tỷ đồng). Hai cá nhân còn lại là ông Nguyễn Hoàng Vũ và bà Nguyễn Thị Kim Phượng sở hữu lần lượt 11% cổ phần.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ cũng đồng thời đứng tên đại diện pháp luật cho vài công ty có liên quan tới Tập đoàn Hoàn Cầu: Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt.

Được biết, bà Dương Trương Thiên Lý là vợ của ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank - đơn vị cam kết cấp tín dụng 1.652 tỷ đồng cho dự án của Hoàng Gia Đà Lạt.

Có sự hậu thuẫn từ ngân hàng của chồng bà Dương Trương Thiên Lý, tổng tài sản của Hoàng Gia Đà Lạt nhanh chóng vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng vào năm 2017. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp này sau đó đã liên tục bị thu hẹp và chỉ còn hơn 1.100 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Dù sở hữu khối tài sản cả nghìn tỷ đồng nhưng Hoàng Gia Đà Lạt lại kinh doanh khá “bết bát” với những khoản lỗ triền miên hàng trăm tỷ đồng. Doanh thu cũng không thể bứt lên, mức cao nhất ghi nhận vào năm 2019 cũng chưa đến 150 tỷ đồng.

Giai đoạn 2018-2020, các khoản lỗ của Hoàng Gia Đà Lạt liên tục bị đào sâu qua từng năm từ 90,9 tỷ năm 2018 lên 134,8 tỷ năm 2019 và 176,1 tỷ năm 2020. Kéo theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng bị ăn mòn hết, thậm chí âm đến 360 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Có thể thấy, quy mô tài sản bị thu hẹp qua từng năm chủ yếu do các khoản lỗ ăn mòn vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, nợ phải trả gần như không thuyên giảm và thường xuyên duy trì trên mức 1.500 tỷ đồng trong suốt 4 năm từ 2017 - 2020. Điều này làm rấy lên nghi ngờ về năng lực tài chính của Hoàng Gia Đà Lạt có thực sự đảm bảo như Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng từng đánh giá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm