Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thuế tích cực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử

Thứ hai, 23/01/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Để góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đã tích cực xây dựng, phát triển và triển khai hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, theo đó đã hoàn thành cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành về thuế...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt hệ thống HĐĐT toàn quốc, ngày 21/4/2022

Xây dựng các CSDL chuyên ngành thuộc CSDL quốc gia về tài chính, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL của các bộ, ngành, địa phương: hỗ trợ tổng hợp báo cáo đáp ứng các nhu cầu khai thác dữ liệu; cung cấp thông tin cho các đơn vị bên ngoài thông qua cổng cung cấp thông tin về đăng ký thuế, nghĩa vụ kê khai, sổ thu nộp qua cổng thông tin ngành Thuế.

Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng: duy trì việc giám sát theo dõi an toàn thông tin trên toàn bộ hệ thống tại trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng liên tục 24/7. Thường xuyên cập nhật các cảnh báo về lỗ hổng mới, cập nhật bản vá trên các hệ thống phòng chống tấn công.

Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị liên quan hỗ trợ triển khai dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) cho 63/63 tỉnh, thành phố. Trong hơn 7 tháng đầu năm 2022 (tính đến 15/8/2022), Tổng cục Thuế đã hỗ trợ kết nối trao đổi thông tin với cơ quan tài nguyên môi trường tại Quảng Ngãi, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Cần Thơ, Tây Ninh, Bắc Giang, Kon Tum, Bạc Liêu nâng số đơn vị triển khai kết nối liên thông lên 24 tỉnh, thành phố.

Trong những tháng đầu năm, ngành Thuế đã tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đã đẩy mạnh tiến độ triển khai các  dịch vụ thuế điện tử (gồm khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử) nhằm thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2017-2018), Nghị quyết 02/NĐ-CP (năm 2019-2022) và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã giao. Tính đến nay, hệ thống dịch vụ thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; đã có 864.829 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,94%. Có 99% tổng số DN đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử. Tỷ lệ DN hoàn thuế điện tử đạt trên 99%.

Thành công trong triển khai HĐĐT giai đoạn 1 là tiền đề quan trọng để triển khai giai đoạn 2

Song song với đó, cơ quan thuế đã đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử cho các cá nhân. Theo đó dịch vụ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) đã được Tổng cục Thuế triển khai tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã có 949.269 tài khoản đăng ký. Tổng cục Thuế đã kết nối với 10 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp điện tử lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên cổng DVCQG hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế (NNT) đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến và nộp thuế điện tử tại nhiều ngân hàng và đẩy mạnh việc triển khai chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cơ quan thuế đã triển khai dịch vụ eTax Mobile từ ngày 21/3/2022.

Theo đó, NNT có thể xác thực đăng ký tài khoản eTax mobile điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số CMT/CCCD trên hệ thống của ngân hàng thay vì việc NNT sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục.

Tổng cục Thuế đã tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 10 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Hdbank), Ngân hàng TMCP Tiên phong (Tpbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Shinhan) và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới.

Đến ngày 15/08/2022 đã có 116.643 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 60.188 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 291 tỷ đồng (đã nộp thành công 54 tỷ đồng).

Cũng trong ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Dựa trên các căn cứ pháp lý về quản lý thuế đối với các NCCNN đã hoàn thiện. Thông qua cổng thông tin điện tử này, NCCNN có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả triển khai đến ngày 15/8/2022 đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.

Đặc biệt, triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó nêu rõ kể từ ngày 1/7/2022, toàn bộ NNT đang sử dụng hóa đơn theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Không chỉ đẩy mạnh việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, ngành Thuế còn đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số kết của Tổng cục Thuế với các bộ, ngành, địa phương

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn do khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai gấp và tác động đến hầu hết các tổ chức cá nhân nộp thuế. Tuy nhiên, xác định đây là nghị định có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho DN và xã hội nên từ cuối năm 2021, ngành Thuế đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai.

Với cách làm bài bản và khoa học nên đến ngày 30/6/2022, toàn bộ tổ chức, DN, chi nhánh đang sử dụng hóa đơn đã chuyển đổi sang HĐĐT (867.958 tổ chức, DN, chi nhánh và 68.200 hộ kinh doanh, cá nhân). Tính đến ngày 20/8/2022, tổng số lượng HĐĐT đã được phát hành là hơn 1 tỷ hóa đơn.

Không chỉ đẩy mạnh việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, ngành Thuế còn đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số kết của Tổng cục Thuế với các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, cơ quan thuế đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và nâng mức độ dịch vụ từ mức độ 3 lên mức độ 4 đối với các dịch công trực tuyến thuộc các ngành, lĩnh vực Tài chính. Triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu của cá nhân không kinh doanh qua cổng DVCQG có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện hệ thống theo hướng sử dụng nền tảng xác thực, định danh của cổng DVCQG để cải thiện trải nghiệm người dùng đối với kê khai thuế dành cho cá nhân: Tổng cục Thuế đã hoàn thành thực hiện tích hợp xác thực SSO (nhập bộ thông tin đăng nhập và sử dụng nhiều lần) với cổng DVCQG và cho phép NNT đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử mà không cần phải đến cơ quan thuế để kê khai, nộp thuế trên cổng DVCQG cũng như hệ thống dịch vụ thuế điện tử của cơ quan thuế từ cuối 2019.

Có thể nói, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế, công tác cải cách hành chính thuế ngày càng được quan tâm, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Các kết quả đạt được cũng đã được các cá nhân, tổ chức, cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giảm thiểu thời gian chi phí cho việc tuân thủ pháp luật thuế, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình cắt giảm đơn giản hóa các quy trình liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; cơ quan thuế sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thúc đẩy việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, ngành Thuế phấn đấu hoàn thành điện tử hóa các TTHC về thuế và tích hợp lên cổng DVCQG, qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho NNT.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm