Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngành Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách

Ban Mai

Thứ ba, 05/01/2021 - 16:26

(Thanh tra)- Đó là một trong những giải pháp trọng điểm năm 2020 mà ngành Thuế đã triển khai nhằm chống thất thu ngân sách.

Ngành Thuế cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Năm 2020, Tổng cục Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vị toàn cầu, đã tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN.

41/63 địa phương có tăng trưởng thu

Báo cáo tổng kết năm 2020 của ngành Thuế cho thấy, kết quả thu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng), vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. So với dự toán, có 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, trong đó có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiến Huế, Lào Cai… Đặc biệt, có 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2020, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế triển khai dự toán thu ngân sách năm 2020, đồng thời phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN; giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN), nhiệm vụ quản lý thu nợ thuế năm 2020 cho cục thuế  tỉnh, TP.

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, tập trung rà soát toàn bộ số DN đăng ký kinh doanh để đưa vào quản lý thuế, kiểm tra toàn bộ số người nộp thuế (NNT) báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng... nhằm quản lý chặt chẽ số thu, động viên kịp thời nguồn lực cho ngân sách.

Đảm bảo lành mạnh hóa môi trường kinh doanh

Lãnh đạo ngành Thuế thông tin, công tác thanh tra, kiểm tra liên tục được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên căn cứ kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đã được phê duyệt, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục trưởng các cục thuế chỉ đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra thực hiện phân tích chuyên sâu, phân loại rủi ro thông qua các báo cáo DN trên các ứng dụng của ngành thuế và thông tin thu thập khác. Đối với các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh (nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không,...) thì chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra và xem xét phân tích rủi ro báo cáo cơ quan thuế cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch theo quy định. Đối với các DN không chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và các DN có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện liên hệ với DN để sắp xếp thời gian thanh, kiểm tra tại DN.

Kết quả, tính đến ngày 31/12, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 83.979 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở NNT; kiểm tra được 804.590 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876 tỷ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.867 tỷ đồng, bằng 17,6% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ là 2.248 tỷ đồng, giảm lỗ là 49.760 tỷ đồng, bằng 119,6% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.435 tỷ đồng.

Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nên ngành Thuế đã tăng thu cho ngân sách thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế mà ngành Thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4%.

Cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Trong năm 2020, ngành Thuế đã nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền ban hành 5 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế; trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Tổng cục Thuế đã chủ trì trình Bộ Tài chính ban hành 7 thông tư hướng dẫn. Các văn bản này đã góp phần tạo hành lang pháp lý về quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng cho NNT...

Tổng cục Thuế đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (vượt 61% so với kế hoạch) với số hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng Quốc gia là 16.320.066 hồ sơ.

Tổng cục Thuế đã hoàn thành nâng cấp thêm 74 thủ tục hành chính (TTHC) đang ở mức 2 lên mức 3,4, nâng tổng số TTHC thuế cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, 4 là 194 trong tổng số 304 TTHC thuế. Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ. Theo đó đã hoàn thành bãi bỏ 25 báo cáo, đơn giản hóa 24 chế độ báo cáo định kỳ. Đồng thời, triển khai thực thi phương án đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong lĩnh vực thuế theo kế hoạch của Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo Đề án 896.

Cũng trong năm 2020, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện các ứng dụng thuế điện tử. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, TP và 100% chi cục thuế trực thuộc. Trong năm 2020 đã có 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận (từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020) là 13.522.261 hồ sơ.

Về nộp thuế điện tử, cơ quan thuế đã hoàn thành việc kết nối với 55 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,7%. Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/12/2020, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 3.209.540 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 730.982 tỷ đồng và 36.683.130 USD.

Ngành Thuế đã thực hiện gia hạn cho khoảng 184.900 lượt NNT; miễn, giảm thuế cho trên 6 triệu lượt NNT với tổng số thuế miễn, giảm, gia hạn là khoảng 117.500 tỷ.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ NNT

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, trong năm 2021, cơ quan thuế sẽ tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Thực hiện tốt các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; các chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Cơ quan thuế sẽ theo dõi sát sao diễn biến tình hình sức khỏe DN để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã triển khai năm 2020, tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ NNT năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, và rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế và quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý, phòng chống gian lận, trốn thuế, chống thất thu NSNN.

Tiếp tục triển khai hiện đại hóa, cải cách quản lý thuế, đơn giản hóa, nâng cấp các TTHC từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 và 4, đẩy mạnh kết nối và tích hợp các thủ tục, dịch vụ công về thuế với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế từ khâu đăng ký, kê khai, nộp, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý, thu hồi nợ thuế...

Trong năm 2021, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế, trong đó sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ NNT; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát kê khai, nộp thuế; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật; xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tập trung vào những DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao; triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực DN ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh.

Tổ chức rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2020, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 cho cơ quan thuế các cấp, thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định, phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2021 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2021.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức cơ quan thuế các cấp; chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách, tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm