Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Nguyễn Điểm

Thứ ba, 11/10/2022 - 21:47

(Thanh tra) - Ngày 11/10, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC tổ chức diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số ngân hàng.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: NH

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, trong đó có ngành Ngân hàng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, thông qua những mối quan hệ tương tác với các chủ thể của nền kinh tế, ngành đã có mức tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với các nền tảng công nghệ không chỉ phục vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội, trong đó có công dân số. Vì vậy, tại Nghị quyết 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao và được ưu tiên tham gia của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, lãnh đạo ngành Ngân hàng và toàn ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ chủ động để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực như công bố ngày chuyển đổi số của ngành, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2025.

Chia sẻ về những kết quả của ngành Ngân hàng trong việc chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với NHNN, đơn vị đã đổi mới toàn diện hoạt động quản lý NHNN theo hướng hiện đại, ứng dụng và khai thác hiệu quả thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đã phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, ông Lê Anh Dũng thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm