Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoàn thiện hạ tầng công nghệ để tăng thu thuế thương mại điện tử

Quang Đông

Thứ ba, 11/10/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Thay vì hàng nghìn cá nhân trực tiếp khai với cơ quan thuế, việc vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài giờ chỉ cần một đầu mối là sàn thương mại điện tử (TMĐT) khai, nộp thuế thay góp phần giảm thiểu đầu mối kê khai thuế, cải cách thủ tục hành chính và tăng thu ngân sách.

Áp dụng công nghệ trong thu thuế TMĐT để thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Ảnh minh họa: Internet

Ngân sách tăng thu nghìn tỷ đồng từ kê thay, nộp hộ

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại ở Việt Nam đang có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó có 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn vào khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Về số thu từ hoạt động TMĐT, thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế từ năm 2018 đến ngày 14/7/2020 đạt hơn 5.400 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Nếu như trước kia, các đơn vị này phải ủy quyền đối tác tại Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ thuế phát sinh tại Việt Nam, từ ngày 21/3, Tổng cục Thuế đã mở Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để khai thay, nộp thay cho các cá nhân tại Việt Nam có khoản doanh thu phát sinh từ các nhà cung cấp này.

Kết quả từ khi triển khai cho đến cuối tháng 8/2022, đã có 36 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin này. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple… cũng đã chính thức thực hiện kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, do kê khai thuế theo quý, nên tính từ ngày 21/3 đến nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài đã tạm nộp thay cho cá nhân phát sinh doanh thu tại Việt Nam gần 500 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, đây được xem là những tín hiệu tích cực trong công tác quản lý thuế TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số. Việc bổ sung đổi mới quy định về trách nhiệm của các bên khi hoạt động là hết sức cần thiết để thu đúng, thu đủ, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Với số lượng cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn TMĐT rất lớn, nếu yêu cầu các cá nhân, hộ kinh doanh này tự kê khai và nộp thuế sẽ tiêu tốn nguồn lực rất lớn. Do đó, việc các sàn TMĐT (có dịch vụ đặt hàng trực tuyến) thực hiện kê khai thay và nộp thay sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho toàn xã hội.

Triển khai rất đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với TMĐT

Trên cơ sở thành công bước đầu từ việc đưa vào hoạt động Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, hiện Tổng cục Thuế tiếp tục xây dựng Cổng Dữ liệu thông tin TMĐT. Theo dự kiến trong tháng 11/2022, Cổng Dữ liệu sẽ chính thức vận hành để các sàn TMĐT có thể thực hiện khai và nộp thuế thay cho người bán hàng.

Để việc vận hành được trơn tru, Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn các sàn phối hợp cung cấp thông tin hoặc kê khai theo hình thức ủy quyền khai thay. Các cục thuế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến người nộp thuế; kịp thời đôn đốc người nộp thuế chưa cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế. Các doanh nghiệp là chủ sàn giao dịch TMĐT cần phối hợp cùng Tổng cục Thuế để cung cấp dữ liệu theo mẫu quy định hoặc cung cấp file chuẩn định dạng xml, excel theo quy định; phối hợp kiểm thử và triển khai cung cấp chính thức trên cổng.

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ trong quản lý kê khai, thu nộp thuế với loại hình TMĐT, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT, hướng đến mục tiêu thông quan nhanh nhưng việc quản lý thuế vẫn chặt chẽ.

Theo đó, tờ khai hàng hóa nhập khẩu thông thường có tới 96 mục thông tin có thể phải khai báo thì theo Dự thảo Nghị định, chỉ phải khai tối đa 25 nội dung. Dự thảo cũng quy định hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn giấy phép kiểm tra chuyên ngành. Trước khi hàng hóa được chuyển về, thì toàn bộ các thông tin về lô hàng như: Sản phẩm, giá trị giao dịch, thanh toán, địa chỉ… đều được các sàn TMĐT hoặc doanh nghiệp vận chuyển gửi thông tin đơn hàng đến hệ thống của cơ quan hải quan, để cơ quan này phân tích dữ liệu rủi ro trước, dễ dàng phát hiện được những lô hàng có dấu hiệu chia tách để trốn thuế.

Sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của TMĐT đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế. Để nâng cao hiệu quả công tác này, ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 889/CĐ-TTg, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Trong đó, có các giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới…

“Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số”, Công điện số 889/CĐ-TTg nêu rõ...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm