Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dân khốn đốn vì chủ đầu tư chậm thanh toán tiền bồi thường

Thứ ba, 24/12/2019 - 06:30

(Thanh tra)- Thu nhập chính của những hộ dân (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, phải nhường đất để thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 6) là từ nông nghiệp. Vậy mà 3 năm qua, họ có ruộng không dám cấy, có nhà không dám sửa… vì sợ bị thu hồi bất cứ lúc nào, tiền đền bù thì chưa nhận được, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay còn khốn đốn hơn.

Dự án thủy điện Sông Lô 6 được xây dựng từ năm 2015. Ảnh: Bùi Bình

Dự án thủy điện Sông Lô 6 do Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang (Công ty Xuân Thiện) làm chủ đầu tư, có quy mô công suất lắp máy 60MW, với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng. Dự án khởi công xây dựng từ tháng 9/2015 tại địa bàn xã Vĩnh Hảo. Vùng lòng hồ của dự án nằm trên địa bàn 5 xã, gồm Vĩnh Hảo, Hùng An, Quang Minh, Vô Điếm và Kim Ngọc, thuộc huyện Bắc Quang. Tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án hơn 573ha, của 1.100 hộ dân (5.108 nhân khẩu), trong đó 59 hộ thuộc diện tái định cư… Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ gần 400 tỷ đồng.

Trong tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án, có hơn 63ha đất trồng lúa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, diện tích còn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND huyện Bắc Quang.

Theo các Quyết định số 3183 ngày 28/8/2019, số 3664 ngày 27/9/2019 và số 3866 ngày 16/10/2019 của UBND huyện Bắc Quang, về việc phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản, vật kiến trúc và cây cối, hoa màu khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thủy điện Sông Lô 6 tại thôn Khuổi Ít, Khuổi Phạt, xã Vĩnh Hảo, là hơn 28,7 tỷ đồng; thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc hơn 1,4 tỷ đồng và xã Vô Điếm hơn 46,3 tỷ đồng. Xã Hùng An và Quang Minh, UBND huyện đang tiến hành các bước phê duyệt giá trị bồi thường.

Trong các quyết định của UBND huyện Bắc Quang nêu rõ, Công ty Xuân Thiện có trách nhiệm phối hợp với hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Bắc Quang, UBND các xã tổ chức công bố công khai giá trị bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân biết, thực hiện.

Tại Văn bản số 5131 ngày 31/10/2019, Văn bản số 4530 ngày 1/10/2019 (lần 1) và Văn bản số 5130 ngày 31/10/2019 (lần 2) của UBND huyện Bắc Quang gửi Công ty Xuân Thiện thông báo về việc đã quá thời hạn (30 ngày kể từ ngày UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất vàquyết định phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ) mà công ty chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Sông Lô 6 tại xã Kim Ngọc, Vô Điếm và xã Vĩnh Hảo.

UBND huyện Bắc Quang đề nghị chủ đầu tư bố trí nguồn kinh phí và có kế hoạch chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ dự án để tránh gây hoang mang và búc xúc trong nhân dân có đất thu hồi, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Nếu chủ đầu tư không bố trí được kinh phí và kế hoạch chi trả tiền theo quyết định đã được phê duyệt, thì mọi chi phí phát sinh sau này chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ngày 19/11/2019, UBND huyện Bắc Quang tiếp tục có văn bản đề nghị Công ty Xuân Thiện bố trí nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi theo các quyết định đã được phê duyệt và theo cam kết của chủ đầu tư.

Căn nhà sàn của bà Hoa xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Bùi Bình

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Sầm Văn Tân, Trưởng thôn Khuổi Ít, xã Vĩnh Hảo cho biết, trong thôn có 70 hộ phải nhường đất cho dự án thì có tới 21 hộ tái định cư, 3 năm nay cuộc sống của những hộ này rất khó khăn. Tiền đền bù chưa được nhận, nhà dột nát không dám sửa, vườn cây ăn trái lâu năm không dám đầu tư chăm sóc vì đã được kiểm đếm từ tháng 10/2016. Người dân muốn sửa nhà lắm, muốn trồng cấy, muốn bỏ tiền đầu tư chăm sóc vườn cam, vườn chè để lo cho cuộc sống gia đình, nhưng không hộ nào dám làm, vì sợ bỏ tiền ra đầu tư được vài ba hôm thì chủ đầu tư tiến hành giải ngân lại phải dỡ bỏ.

Khổ nhất phải kể đến các hộ trong diện di dời tái định cư, điển hình như hộ bà Đặng Thị Hoa, ông Trương Thanh Dục. Căn nhà sàn gia đình bà Hoa ở từ trước đến nay đã xuống cấp trầm trọng, toàn bộ cột nhà và sàn nhà đã bị mục nát, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Gia đình bà Hoa muốn đầu tư sửa chữa để yên tâm sinh sống, nhưng vì tài sản nhà bà đã được kiểm đếm cách đây 3 năm, do lo sợ nhà bị sập nên bà phải chuyển xuống ở túp lều tạm của gia đình.

Hộ ông Trương Thanh Dục được kiểm đếm giá trị đền bù hơn 700 triệu đồng, khi kiểm đếm, chủ đầu tư hứa sẽ thanh toán trong vòng không quá 6 tháng, nên ông Dục vay 300 triệu đồng mua nhà mới để ổn định cuộc sống, vậy mà đợi mãi vẫn chưa được nhận tiền, trong khi đó ông vẫn phải trả lãi 3 năm qua. Ông Dục rất bức xúc, gọi điện "mắng" từ thôn, đến xã, đến huyện.

Ông Tân lo lắng về nguy cơ mất an ninh, trật tự trên địa bàn nếu kéo dài tình trạng người dân không nhận được tiền đền bù, khi kiểm đếm đền bù người dân đã biết được số tiền sẽ nhận được, nên nhiều hộ đi vay tiền mua sắm đồ dùng gia đình, mua đất đai, vay tiền đầu tư kinh doanh… nhưng lâu không nhận được tiền đền bù nên “lãi mẹ đẻ lãi con”, mới đây có trường hợp ‘xã hội đen” đến đòi nợ, gây mất an ninh, trật tự của thôn.

Ông Bàn Văn Siu, thôn Khuổi Ít cho biết, nhà ông có 6 khẩu, từ trước đến nay nguồn thu nhập chính là trồng lúa, trồng cam, trồng chè, khi dự án vào kiểm đếm giá trị đền bù được 2,1 tỷ đồng, 3 năm nay diện tích đất của gia đình không dám sử dụng, có tí ruộng thì liều cấy lúa vì giống ngắn ngày, còn đất trồng cây lâu năm thì không dám động đến vì không biết khi nào họ lấy, cuộc sống bây giờ chỉ cầm cự. Ông Siu mong muốn chủ đầu tư sớm đền bù để có tiền làm nhà mới vì nhà cửa bây giờ xuống cấp, sập xệ, sắp sập đến nơi mà không dám sửa.

Bên cạnh việc Công ty Xuân Thiện chưa thực hiện nghiêm túc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn trách nhiệm của UBND huyện Bắc Quang đã phê duyệt phương án bồi thường đối với những loại đất thuộc thẩm quyền của huyện để làm căn cứ chi trả tiền cho các hộ gia đình? Sở NN&PTNT Hà Giang có thường xuyên, chủ động kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án hay không? Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Bùi Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm