Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cổ phiếu tụt đáy, cổ đông lớn thoái lui, nhà đầu tư “đua lệnh” cổ phiếu VietABank (VAB) “méo mặt”

Gia Hân

Thứ hai, 23/08/2021 - 12:55

(Thanh tra) - Cổ phiếu VAB hiện đã giảm gần 25% so với đỉnh và dừng ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá đóng cửa phiên giao dịch chào sàn UpCOM.

Ảnh minh họa: https://www.dienmayxanh.com

Tổng tài sản giảm, dư nợ tăng cao

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - mã VAB) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với tổng thu nhập hoạt động của đạt 525 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đóng góp lớn nhất với 401 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ.

Lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư đã tăng gần 38 lần so với cùng kỳ, đem về cho ngân hàng 23,7 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng chứng khoán kinh doanh cũng thoát lỗ, đạt con số lợi nhuận 28,1 tỷ đồng. Kết quả này có được là nhờ VietABank đã bán những khoản đầu tư trước đây.

Hoạt động dịch vụ cũng mang về cho ngân hàng 13,3 tỷ đồng lãi thuần, tăng gần 547% so cùng kỳ. Lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác cũng tăng gần 26% lên 62,4 tỷ đồng. Ngược lại, nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này lại âm 3,54 tỷ đồng trong quý II/2021.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro của VietABank trong quý II đã giảm mạnh 62% xuống 77,8 tỷ đồng do tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC từ tháng 8 năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, VietABank lãi trước thuế 282 tỷ đồng, tăng 315% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 407 tỷ đồng, hoàn thành 62% kế hoạch.

Năm 2021, VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 97.075 tỷ đồng, tăng 12,2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, tăng 61,7% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%.

Tuy nhiên, thời điểm 30/6, tổng tài sản của nhà băng này đã giảm 4% so với đầu năm xuống mức 83.036 tỷ đồng, chủ yếu do khoản mục chứng khoán đầu tư và tiền gửi các tổ chức tín dụng khác, cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm. Dư nợ cho vay khách hàng vẫn tăng 6,2% lên 51.369 tỷ đồng. Đồng thời, số dư nợ xấu giảm 7,5% xuống 1.029 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 2,3% xuống còn 2%.

Cổ phiếu dò đáy, cổ đông lớn thoái lui

Trái với bức tranh kinh doanh được “vẽ” khá đẹp, diễn biến cổ phiếu VAB của VietABank lại gây ra không ít thất vọng sau khi lên sàn.

Ngày 20/7, gần 445 triệu cổ phiếu VAB đã chính thức giao dịch chào sàn UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa khi chào sàn hơn 6.000 tỷ đồng.

VAB nhanh chóng tăng kịch biên độ (40%) lên 18.900 đồng/cổ phiếu tuy nhiên rung lắc dữ dội sau đó khiên cổ phiếu này không thể đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Dù tăng mạnh 2 phiên sau đó tuy nhiên VAB đã sớm quay đầu ngay khi cổ phiếu T+3 của phiên IPO về tài khoản. Cổ phiếu này tiếp tục rơi sâu và có thời điểm đã chạm 14.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi chào sàn.

Đại diện VietABank từng chia sẻ, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là tiền đề cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của VietABank trong giai đoạn tiếp theo để đáp ứng mong đợi từ các cổ đông, trở thành lựa chọn tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thị giá VAB hiện đã giảm gần 25% so với đỉnh và dừng ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu, thậm chí còn thấp hơn giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên. Kết quả này khiến không ít nhiều nhà đầu tư “đua lệnh” phiên chào sàn vẫn phải chịu lỗ nếu nắm giữ cổ phiếu VAB đến thời điểm này.

Không thể kiên nhẫn hơn, Công ty Cổ phần Rạng Đông đã quyết định bán ra gần 11 triệu cổ phiếu VAB qua đó giảm sở hữu xuống còn hơn 21,7 triệu đơn vị (tỷ lệ 4,88%) và chính thức rời ghế cổ đông lớn từ ngày 26/7.

Đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu VAB nằm sàn sau khi đạt đỉnh. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận tại mức giá sàn 17.100 đồng, tương ứng giá trị 187 tỷ đồng.

Được biết, Rạng Đông là một trong hai cổ đông lớn của VietABank trước khi chào sàn bên cạnh Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (nắm giữ 12,21%). Thời điểm đó, VietABank có 1.913 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông trong nước. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức (32,16%) và 1.879 cổ đông cá nhân (64,1%).

Gần đây, thị trường liên tục xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VAB với khối lượng lớn gồm 11,7 triệu đơn vị ngày 30/7, gần 4,5 triệu đơn vị ngày 4/8 và hơn 5,5 triệu đơn vị ngày 5/8. Không bất ngờ nếu cơ cấu cổ đông của VietABank tiếp tục có biến động lớn thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm