Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cho thuê tài chính: Gỡ "nút thắt" thế chấp bất động sản cho kinh tế tư nhân

Trà Vân

Thứ ba, 10/06/2025 - 11:12

(Thanh tra) - Đẩy mạnh, đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân là 1 trong những chỉ đạo quan trọng tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới mở rộng dịch vụ cho thuê tài chính.

Các loại tài sản cho thuê tài chính phổ biến hiện nay là ô tô, các loại máy móc, thiết bị y tế.

Cho thuê tài chính là 1 hoạt động cấp tín dụng trung, dài hạn. Thay vì cho vay tiền như ngân hàng, thì họ cấp vốn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, hoặc các tài sản khác.

Chiếc máy đóng gói tự động, thay vì phải bỏ ra 5 tỷ đồng để đi mua thì doanh nghiệp đã chọn giải pháp đi thuê; trả gốc và lãi tương tự như cách vay ngân hàng. Sau khoảng 3 năm thì doanh nghiệp sẽ mua lại chính tài sản này từ bên cho thuê.

Đi thuê tài sản nên doanh nghiệp không cần phải có bất động sản thế chấp. Đây là điểm khác biệt lớn nhất, gỡ được vướng mắc chính khi đi vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, vay vốn ngân hàng liên quan đến hạn mức, ví dụ ngân hàng cho vay 1 hạn mức nào đó, nếu mình muốn mua máy mới thì phải tăng hạn mức lên, quá trình thủ tục để trình cho vay thêm hạn mức mất rất nhiều thời gian, thông thường từ 3 - 4 tuần. Thuê mua thì chỉ mất 1 tuần là xong thủ tục, rút ngắn rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp.

Để thuê được tài sản, doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm loại tài sản phù hợp và đề xuất với bên cho thuê. Sau đó, công ty cho thuê sẽ thẩm định và mua tài sản đó về cho doanh nghiệp thuê lại.

Từ 70-90% giá trị tài sản sẽ được các công ty cho thuê tài chính tài trợ. Phần còn lại, là vốn tự có của doanh nghiệp. Lãi suất cho thuê sẽ được tính tương tự như lãi vay trung, dài hạn.

Ông Kiên Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính VietinBank Leasing chia sẻ: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tận dụng được các nguồn vốn thuê tài chính để nâng cao tài sản, hiện đại hóa công nghệ. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các tổ chức đang sử dụng nguồn vốn ở trong khoảng từ 9 - 11%/năm".

Theo số liệu từ Hiệp hội cho thuê tài chính, hiện mới có khoảng 4.500 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính, tương đương khoảng 0,47% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Số doanh nghiệp biết đến ít, nên số dư nợ cũng khiêm tốn. Tính đến cuối quý 1, dư nợ cho thuê tài chính đạt gần 40.700 tỷ đồng, mới chiếm chưa đến 0,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Vì thế các công ty cho thuê tài chính đề xuất cần có những cơ chế mở hơn, giúp đông đảo doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn qua hình thức cho thuê tài sản.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm, công ty cho thuê tài chính đã cung cấp máy móc, thiết bị cho hơn 1.300 doanh nghiệp. Nhưng với họ, việc tìm kiếm khách hàng cho thuê cũng không dễ dàng. Bởi các điều kiện xét duyệt hồ sơ của công ty cho thuê tài chính cũng nghiêm ngặt, không khác gì ngân hàng khi cho vay.

Ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính BIDV SuMi-Trust cho biết, các công ty cho thuê tài chính sẽ phải yêu cầu khách hàng nhiều thủ tục giấy tờ hơn, thời gian xem xét dài hơn nên không có tính cạnh tranh so với ngân hàng.

Ngoài ra, các công ty cho thuê tài chính cũng gặp khó khăn về nguồn vốn. Đa phần các công ty đang vay vốn từ tổ chức tín dụng với kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, các loại tài sản thường cho thuê vài ba năm. Do đó, họ mong muốn được nới lỏng các quy định về vốn, để có thêm nguồn lực tài chính phục vụ cho việc thuê, mua tài sản.

Ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam lấy ví dụ như tỷ lệ an toàn chi trả trong 30 ngày vẫn là 20% giống như ngân hàng thương mại. Như vậy là không hợp lý bởi vì các công ty cho thuê tài chính đã kế hoạch hóa được toàn bộ nguồn vốn để cho thuê trung và dài hạn và họ không mở tài khoản tiền gửi nên không lo rủi ro thanh khoản cần phải chi trả cho khách hàng.

Hiệp hội cho thuê tài chính cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi quy định, nới lỏng hơn với công ty cho thuê tài chính. Bởi đây là các tổ chức không nhận tiền gửi từ dân cư, hoạt động dựa trên chính tài sản do mình sở hữu. Vì thế, nếu khung pháp lý gộp chung với ngân hàng thương mại thì hoạt động cho thuê tài chính sẽ bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng và tài sản cho thuê.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng nhấn mạnh tới việc cần sửa đổi khung pháp lý về hoạt động của công ty cho thuê tài chính theo hướng mở rộng danh mục tài sản cho thuê, trong đó có tài sản phi truyền thống như phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ, dữ liệu. Việc đa dạng các kênh cấp vốn sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thêm nguồn vốn đầu tư mở rộng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam - Áo ký Hiệp định khung hợp tác tài chính trị giá 150 triệu Euro

Việt Nam - Áo ký Hiệp định khung hợp tác tài chính trị giá 150 triệu Euro

(Thanh tra) - Ngày 23/6/2025, tại trụ sở Bộ Tài chính, thừa ủy quyền lãnh đạo Chính phủ hai nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Đức Chi và Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Áo Barbara Eibinger-Miedl đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác tài chính, trị giá 150 triệu Euro.

Trần Quý

20:30 23/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm