Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn rất lớn

Quang Đông

Thứ năm, 16/03/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65/2002/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu. Ảnh: BA

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới như: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác ngoài tiền mặt; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Những điểm mới này được các chuyên gia đánh giá là những giải pháp tình thế giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý lượng trái phiếu đến đáo hạn. Về mặt tổng thể thị trường sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 - 2024, doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư gia hạn sang năm 2025 - 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ. Mấu chốt cuối cùng thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải thu xếp nguồn tiền, tài sản đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư.

Theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2, 3/2023 với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83 nghìn tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2023. Sang năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn.

Tính đến ngày 5/3/2023, đã có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Gần 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Những con số trên cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn rất lớn trong năm nay và những năm tiếp theo.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành, chủ sở hữu có thêm thời gian đàm phán thanh toán gốc, lãi vay. Tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính, có phương án hoán đổi tài sản để trả nợ cho nhà đầu tư… chứ không phải là giải pháp để xử lý dứt điểm các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những khúc mắc về tình hình tài chính của nhiều tổ chức phát hành.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ là giảm áp lực thanh toán đáo hạn hiện tại (giai đoạn 2023 - 2024), nhưng sẽ đẩy áp lực đó về tương lai trong 1 đến 2 năm tới đây (giai đoạn 2025 - 2026). Trong quãng thời gian đó, bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu phải điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay trong tương lai. Nếu thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó về dòng tiền, các kênh huy động vốn đều tắc thì liệu rằng trong thời gian 1 - 2 năm tới tổ chức doanh nghiệp phát hành trái phiếu có chi trả đúng hạn cho các nhà đầu tư, đây hiện vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ?

Liên quan đến các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết nghị định được ban hành nhằm góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu. Chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính. Công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

(Thanh tra) - Nhằm tăng cường an toàn, bảo mật đồng thời đảm bảo các giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử không bị gián đoạn sau ngày 01/01/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và hoàn thành đối chiếu khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

21:11 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm