Huyện Đức Thọ có “cài cắm” các tiêu chí cục bộ

Theo phản ánh, thời gian qua tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong các thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) xuất hiện các tiêu chí cục bộ địa phương.

Văn bản số 3563/TB-UBND ngày 21/9/2022 do ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ ký thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá 26 thửa đất ở tại khu dân cư xã Tùng Ảnh có tổng giá khởi điểm là 27.121.280.000 đồng. Tại mục V “Tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định”, UBND huyện Đức Thọ đưa ra 2 tiêu chí “đã thực hiện thành công ít nhất 1 hợp đồng trên địa bàn huyện 2 điểm”; “có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 3 điểm”.

Kể từ khi thông báo của UBND huyện Đức Thọ xuất hiện 2 tiêu chí này đã khiến các công ty đấu giá và nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng  mang tính chất cục bộ địa phương, không khách quan, không minh bạch.

Đối với tiêu chí “có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, các đơn vị tổ chức đấu giá cho rằng đây rõ ràng là tiêu chí có chủ đích và tạo nên “rào cản” cho doanh nghiệp ngoài tỉnh, đơn vị đấu giá chỉ có văn phòng đại diện trên địa bàn Hà Tĩnh không có cơ hội tham gia lựa chọn và dễ dàng bị “trừ điểm”, loại khỏi cuộc “đua” trong việc tổ chức lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản. Do đó, tiêu chí này đã làm “hạn chế” những đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm, có đấu giá viên giỏi, từng đấu giá ở nhiều địa phương trong cả nước không có cơ hội vào huyện Đức Thọ để tổ chức đấu giá.

“Công ty đấu giá của chúng tôi mở chi nhánh tại Hà Tĩnh, có văn phòng làm việc, đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, có mã số thuế, hoạch toán độc lập, đấu giá viên có năng lực và kinh nghiệm, có chức năng hoạt động như một công ty. Thế nhưng, việc huyện Đức Thọ đưa ra tiêu chí “có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” mà không đưa thêm nội dung “có trụ sở chi nhánh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” thì rất mất công bằng, không khách quan, có biểu hiện “ưu ái” cho các đơn vị tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, khiến nhiều đơn vị đấu giá bức xúc”, đại diện một công ty đấu giá phản ánh.

Tiêu chí “đã thực hiện thành công ít nhất 2 hợp đồng trở lên trên địa bàn huyện Đức Thọ” không khách quan, không công bằng, có dấu hiệu rõ ràng về việc “ưu tiên” cho những đơn vị từng đấu giá trên địa bàn huyện. Những đơn vị chưa từng đấu giá ở đây bị thiệt thòi và dễ dàng bị trừ điểm, ít có cơ hội được lựa chọn để tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn huyện Đức Thọ khi nộp hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá tại đây.

Theo ý kiến của các đơn vị tổ chức đấu giá thì việc UBND huyện Đức Thọ đưa ra tiêu chí này không đảm bảo nguyên tắc “công bằng” theo Khoản 2, Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 8/2/2022 tại mục III đã đưa ra tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá và quy định rõ thang điểm cho số lượng các hợp đồng dịch vụ cùng loại tài sản đưa ra đấu giá một cách rõ ràng và cụ thể theo từng mốc. Do đó, việc UBND Đức Thọ có dấu hiệu “cài cắm”, đưa ra tiêu chí này đã mâu thuẫn với quy định trên và “ưu ái” cho các đơn vị đã từng đấu giá trên địa bàn huyện.

Tiêu chí “ưu tiên” cho những đơn vị đã từng đấu giá trên địa bàn

Bà Phạm Thị Thêm, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ cho biết: Do các đơn vị đấu giá có trụ sở tại Hà Tĩnh đã có thời gian đấu giá lâu, có năng lực, kinh nghiệm, đấu giá minh bạch, rõ ràng, là doanh nghiệp trên địa bàn nên có việc ưu tiên cộng điểm. Nếu các tiêu chí này bị phản ánh là “cục bộ” thì phòng sẽ báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo sửa chữa các tiêu chí này ở những lần thông báo lựa chọn sau.

Từ khi có Thông tư 02 của Bộ Tư pháp đến nay, huyện đã thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá quyền sử dụng đất ở 6 đến 7 mặt bằng ở các khu dân cư trên địa bàn thị trấn, Hòa Lạc, Tùng Ảnh, Tân Dân...  

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, hiện nay không chỉ ở huyện Đức Thọ, tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa ra tới 2 tiêu chí tại mục V của các thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá QSDĐ gồm “đã thực hiện thành công 5 hợp đồng trở lên trên địa bàn huyện trong năm trước liền kề”; “có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.

Tại thị xã Hồng Lĩnh, đưa ra các tiêu chí tại mục V thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá QSDĐ tương tự huyện Đức Thọ và huyện Can Lộc.

leftcenterrightdel
Các tiêu chí các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đưa ra, trong đó có tiêu chí "có trụ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh" đang bị phản ứng gay gắt. Ảnh: VT 

Theo các đơn vị đấu giá, các tiêu chí này các huyện học hỏi nhau nhằm mục đích “ưu tiên” cộng điểm cho các đơn vị “thân quen”, từng đấu giá trên địa bàn các huyện dẫn đến không có tính cạnh trang công bằng, có dấu hiệu không khách quan nhằm loại bỏ những đơn vị đấu giá không có trụ sở chính mà chỉ có văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đây là những tiêu chí mang tính cục bộ địa phương, đi ngược lại Khoản 2, Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp đã quy định.

Mặt khác, trong Thông tư 02 việc hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản không nêu rõ tiêu chí của chủ tài sản là tiêu chí quy định như thế nào. Việc các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đưa ra các tiêu chí nói trên chỉ là chủ quan của cá nhân chủ tài sản, có dấu hiệu không đúng với quy định của pháp luật cần được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh.

Để làm rõ vì sao lại đưa ra các tiêu chí này trong các thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá quyền sử dụng đất, phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ với ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc. Ông này hướng dẫn phóng viên đăng ký làm việc với văn phòng. Phóng viên đã thực hiện đăng ký đúng quy trình, nội dung làm việc, tuy nhiên đến nay đã nhiều ngày trôi qua vẫn không thấy huyện này hồi âm lại.

Để đảm bảo công bằng, khách quan trong hoạt động động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra thực tế ở các địa phương nói trên, đồng thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các phòng, ban đã tham mưu các tiêu chí chưa phù hợp này.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh