Tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật được kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 22/7, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã giới thiệu tóm tắt về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Việc xây dựng, ban hành luật nhằm bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra; tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế, theo Thứ trưởng Bộ Công an.

Ông thông tin, luật đã bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Đáng chú ý, luật quy định rõ về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thì được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, được đảm bảo an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cũng được bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô; được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa; được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay; được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ khi đi công tác bằng tàu thủy.

Khi 4 lãnh đạo chủ chốt đi công tác nước ngoài, trong trường hợp do quy định của pháp luật nước sở tại hoặc các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị cần mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, thì Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ.

Với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi làm việc, nơi ở, được bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.

Luật bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo công tác đối ngoại.

Dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động không phải là vũ khí

Thứ trưởng Bộ Công an cũng giới thiệu tóm tắt Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: H.G

Theo ông Hùng, luật đã bổ sung quy định dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không quy định là vũ khí.

Theo Thứ trưởng, để đảm bảo quản lý chặt chẽ loại phương tiện có tính chất lưỡng dụng này, luật đã giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.

Ông Hùng khẳng định, các biện pháp bảo đảm an toàn phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.

“Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan công an”, ông Hùng nói.

Luật mới cũng bổ sung khái niệm vũ khí quân dụng gồm: các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng.

Ngoài ra còn có các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.

Hương Giang