Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hợp lực đẩy lùi “tín dụng đen” và những hệ lụy

Quang Đông

Thứ sáu, 08/07/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Thực tế cho thấy, hầu hết những người vay “tín dụng đen” đều phải hứng chịu hậu quả khôn lường, không những làm xáo trộn cuộc sống của bản thân mà còn liên lụy, ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Vì vậy, lực lượng công an cùng các cơ quan chức năng đã phải triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đấu tranh, phòng chống đẩy lùi loại hình tội phạm này.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tránh cạm bẫy "tín dụng đen" với những hệ lụy gây bất ổn về an ninh trật tự. Ảnh: QĐ

“Tín dụng đen” vay dễ, trả khó

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tội phạm trong lĩnh vực “tín dụng đen” ngày càng hoạt động tinh vi trên cả không gian mạng xã hội và thực tiễn cuộc sống. Không khó để bắt gặp những lời mời chào cho vay hấp dẫn, nhanh gọn, không thế chấp, khiến người đã sập bẫy, để rồi dễ vay, khó trả, lâm cảnh nợ nần, thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Như gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá đường dây cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự liên quan đến hơn 300 đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài. Đường dây này tổ chức cho vay nặng lãi qua các ứng dụng (app) “cashvn”, “vaynhanhpro”, “ovay” trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Thủ đoạn của các đối tượng là chạy quảng cáo trên mạng xã hội, mời chào khách hàng có nhu cầu vay tiền qua các app trên, thế chấp bằng hình ảnh cá nhân kèm thông tin nhân thân và danh bạ điện thoại. Có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây và số tiền mà các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, thu lợi nhuận bất chính gần 500 tỷ đồng. Số tiền lãi sẽ được phía công ty tài chính cắt ngay khi chuyển tiền giải ngân cho khách hàng. Nếu không trả được nợ gốc, tiền lãi sẽ nhân lên theo ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, lên tới 2.190%/năm.

Với mức lãi cắt cổ như trên, đã có không ít người thành nạn nhân của “tín dụng đen", đơn cử như ngày 26/6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Phạm Bá Thụy (40 tuổi, ngụ tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) để điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng. Theo cơ quan công an, từ tháng 9/2020, Thụy nhiều lần cho chị T. vay tiền với lãi suất từ 6 - 24% một ngày, tương ứng 2.160 - 8.640% một năm. Lúc đầu, chị T. vay của Thụy số tiền 90 triệu đồng nhưng do không trả lãi kịp nên Thụy đã cộng dồn thành tiền vay. Cho đến thời điểm bị bắt giữ, chị T. đã nợ Thụy số tiền hơn 10 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi Thụy thu được từ “con nợ” này là gần 4 tỷ đồng.

Chủ động trấn áp và nâng cao nhận thức

Theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đống Đa, Hà Nội, tỷ lệ các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” gia tăng đã gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các ổ nhóm này rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Các đối tượng sử dụng hàng trăm số điện thoại sim rác để không lộ tẩy…

Không chỉ vậy, các đối tượng còn thường xuyên dùng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp, qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh, có những vụ việc, lãi suất cho vay lên tới 90 - 100% mỗi tháng, thậm chí lên tới 700 - 1.000% mỗi tháng.

Để ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, cùng với tăng cường điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng trước pháp luật, lực lượng công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành văn bản chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền sở tại triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng chung tay đẩy lùi tội phạm…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP đã giao nhiệm vụ cho công an địa bàn tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân trên mạng xã hội để phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.

“Hệ lụy do vay "tín dụng đen" không chỉ là lãi suất cắt cổ mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều tội ác khác như giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Do vậy, ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền giáo dục người dân tránh xa cạm bẫy của "tín dụng đen" thì hơn ai hết mỗi người cần cảnh giác trước những chiêu trò từ các loại hình cho vay này”, Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: Để hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp; đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Về phía cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an cần kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, không tạo điều kiện cho loại tội phạm này có cơ hội hoạt động.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm