Rau xanh chợ dân sinh tăng

Chiều ngày 11/9, tại chợ dân sinh An Thọ, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, người mua và người bán thưa hơn ngày thường. Mặc dù vậy, giá cả các mặt hàng cũng tăng hơn ngày thường, vnhư rau muống 25 - 30 nghìn/bó (ngày thường 10 nghìn/bó); bí xanh 30 nghìn/kg; bắp cải 30 nghìn/kg (ngày thường 15 nghìn/kg); cà chua 50 - 55 nghìn/kg (ngày thường 20 nghìn/kg).

Chị Mai Ly, người bán hàng rau tại chợ cho biết, đường ngập nhiều khu vực nên không đi lấy hàng tại chợ đầu mối như ngày thường được mà phải gom ở những vườn rau khu vực lân cận. Do ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng nên rau bị dập, úa nhiều. Tuy nhiên, theo chị Ly do rau hiếm, không có rau để mua nên về chị phải ngồi nhặt lại để bảo đảm bó rau được tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. “Khi mua từ vườn giá có tăng hơn ngày thường nhưng khi bán cho người dân quanh khu vực, tôi vẫn bán như giá mua để lấy công làm lãi”, chị Ly chia sẻ.

Cũng theo chị Ly, do mưa dài ngày nên việc thu hái nông sản của nông dân và vận chuyển hàng hóa của thương lái khó khăn. Đặc biệt, nhiều khu vực bị ngập nên các loại củ, quả, rau xanh khan hiếm. Bởi vậy mà giá cả đều tăng, cao hơn khoảng gấp hai, gấp ba lần so với ngày thường.

Chị Nguyễn Giang (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chiều ngày 11/9, chị đi chợ mua bó rau cải với giá 25 nghìn đồng trong khi giá bình thường khoảng 10.000 đồng; rau mồng tơi 20 nghìn đồng/bó; hành lá 55 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo chị Giang “có rau để mua là may rồi”.

Tại các chợ dân sinh, ngược lại với mặt hàng rau và hải sản, các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng... giá cả vẫn ổn định như ngày thường. Một số tiểu thương cho biết, nguồn cung ổn định vì được nhập hàng từ nhiều hộ chăn nuôi lợn, bò, cho nên giá các loại thịt không tăng nhiều trong đợt mưa bão.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của bão. Các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

leftcenterrightdel
Giá mặt hàng rau xanh tại các chợ dân sinh tăng cao, có loại tăng gấp đôi, gấp ba. Ảnh: LP

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của bão. Các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trái ngược với chợ dân sinh, tại các siêu thị, mặt hàng rau xanh giữ giá ổn định, thậm chí một số loại còn được giảm giá. Cải bó xôi 18.000 đồng/bó 300gr, rau muống 13.000 đồng/bó nửa kg, rau lang 11.000 đồng/bó nửa kg. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có thể đến siêu thị, bởi nước ngập khắp nơi, việc di chuyển không dễ nên vẫn tiện đâu mua đó.

Hàng trăm tấn rau, củ nối đuôi nhau từ Nam ra Bắc

Bên cạnh hoạt động cứu trợ, hệ thống các siêu thị trên cả nước cũng tăng cường dự trữ hàng hóa với số lượng lớn để duy trì hoạt động và cung cấp đến bà con các tỉnh bị ngập lụt như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Lượng hàng dự trữ tại Co.opmart miền Bắc những ngày qua đã tăng gấp ba lần so với bình thường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả không biến động.

Hiện Saigon Co.op tập trung nguồn lực để duy trì hoạt động hệ thống phân phối và kho vận, đặc biệt ở các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, và Phú Thọ, nơi có 11 siêu thị Co.opmart và 28 cửa hàng Co.op Food. Co.opmart khu vực miền Bắc cũng phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ vận chuyển hàng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở.

Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Đại diện Saigon Co.op cho biết mặc dù một số vùng đang bị ngập úng, nhưng hệ thống vẫn đảm bảo đường vận chuyển thông suốt từ toàn quốc đến Trung tâm Phân phối miền Bắc và từ trung tâm đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food. 

Với mặt hàng rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

leftcenterrightdel
 Tại hệ thống các siêu thị, nguồn cung cơ bản ổn định, lượng khách cũng ít hơn so với ngày 10/9 và trước đó do người dân đã mua tích trữ hàng hóa. Ảnh: LP  

Bên cạnh Saigon Co.op, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tục tăng ca, cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc gặp bão lũ

Theo Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi, ngay khi nhận được thông tin bão số 3 Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, Hội đã trực tiếp làm việc với các đơn vị sản xuất chủ lực để thống nhất quan điểm và tinh thần cam kết chung tay, chủ động bố trí và tăng ca, tăng người làm để đảm bảo nguồn cung ứng tối đa nhu cầu tại miền Bắc.

Theo bà Chi, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc với các đơn vị bán lẻ, đơn vị vận chuyển để nhanh chóng đưa hàng hóa ra miền Bắc trong thời gian sớm nhất. Nguồn hàng chủ yếu từ Lâm Đồng, Bình Dương.

Còn theo Central Retail Việt Nam, nhằm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3, các hệ thống GO!, Big C đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau, củ so với ngày thường. Tính đến ngày 9/9, Central Retail Việt Nam đã vận chuyển 3 chuyến hàng đến các siêu thị GO!, Big C Miền Bắc khoảng 150 tấn rau, củ, quả các loại. Nguồn hàng từ các đối tác ở Đà Lạt.

Trong khi đó, siêu thị WinMart mỗi ngày cung ứng 100 tấn rau, củ sạch phục vụ cho thị trường miền Bắc, giá cả bình ổn, không tăng so với thời điểm trước bão. Cùng với đó, chương trình ưu đãi 20% dành cho các sản phẩm thịt sạch MEATDeli và rau sạch WinEco vẫn được áp dụng cho hội viên WiN.

leftcenterrightdel
Nhiều siêu thị đã đẩy mạnh việc cung ứng nguồn hàng nhập từ các tỉnh phía Nam để vận chuyển ra phía Bắc bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Ảnh: LP

Tương tự, hệ thống MM Mega Market cho biết vẫn duy trì nguồn cung ổn định nhất, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu như rau, củ quả thịt cá... MM Mega Market đã tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc (dự kiến lên đến 7 chuyến xe/tuần với tổng cộng hơn 40 tấn rau củ quả). MM Mega Market vẫn nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu như rau, củ quả, thịt cá…

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có nhiều công điện yêu cầu thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ. Trên cơ sở đó, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều doanh nghiệp, nhiều siêu thị đã đẩy mạnh việc cung ứng nguồn hàng nhập từ các tỉnh phía Nam để vận chuyển ra phía Bắc bảo đảm nguồn cung hàng hóa.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bùi Nguyễn Anh Tuấn, qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản

Chiều ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục có công điện yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay các biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và các nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước cam kết bình ổn giá hàng hóa.

Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn để có phương án cung cấp hàng hóa lưu động trong khu vực, tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Khi có sự cố xung quanh khu vực bán hàng, cần sớm xử lý để tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, kịp thời.

Đánh giá khả năng cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho các khu vực bị chia cắt do bão, lũ; đề xuất nhu cầu điều phối nguồn hàng thiết yếu qua các kênh phân phối để kịp thời cung cấp cho người dân và bình ổn thị trường tại địa phương (nếu có).

Lê Phương