Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra, truy xuất chống thất thu thuế trên “chợ” điện tử

Quang Đông

Thứ ba, 02/08/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng số xuyên biên giới đang trở nên phổ biến, mang lại nguồn lợi rất lớn cho nhà cung cấp dịch vụ, người kinh doanh và khách hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong công tác chống thất thu ngân sách đối với lĩnh vực này, và trên thực tế cũng có những vụ việc phải chuyển cơ quan điều tra.

Thương mại điện tử dần phổ biến, buộc cơ quan thuế phải triển khai nhiều biện pháp để chống thất thu. Ảnh: VC

Thu hơn 1.100 tỷ đồng/năm từ hoạt động thương mại điện tử

Theo thống kê, hiện tại Việt Nam đang có 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (trong đó 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ). Đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan thuế đang quản lý thông qua các tổ chức tại Việt Nam (nộp thuế thay tổ chức nước ngoài) với số thu trung bình hơn 1.100 tỷ đồng/năm.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, cho thấy, tính từ năm 2018 đến ngày 29/6/2022, số thu đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế đã đạt 5.432 tỷ đồng. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook 2.071 tỷ đồng; Google 2.034 tỷ đồng; Microsoft 692 tỷ đồng... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, con số của nhóm này đạt gần 760 tỷ đồng, bằng 48% số thu năm 2021.

Những số liệu trên cho thấy hoạt động mua bán trực tuyến trên các nền công nghệ thông tin xuyên biên giới rất đa dạng, có doanh thu rất lớn. Người tiêu dùng sử dụng các sàn thương mại điện tử nước ngoài để mua sắm hàng hóa. Ở chiều ngược lại, các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài cũng thông qua các nền tảng kể trên để mua sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Với sự phát triển của các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đã phá vỡ các nguyên tắc đánh thuế truyền thống. Nếu như trước đây một doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại Việt Nam phải có cơ sở thường trú, có sự hiện diện trên thực địa cả về thể nhân, pháp nhân và chịu sự quản lý, điều tiết của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền kinh tế số, các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển, doanh nghiệp không cần sự hiện diện tại nước sở tại, nhưng vẫn có thể bán hàng bình thường. Nếu không xác định được doanh thu, doanh nghiệp có thể trốn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tạo ra sự bất bình đẳng giữa người bán hàng qua mạng và người bán hàng truyền thống.

Chống thất thu đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh

Từ thực tế này buộc cơ quan thuế phải triển khai nhiều biện pháp chống thất thu thuế với loại hình “chợ” thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có cả những biện pháp mạnh như chuyển cơ quan điều tra xử lý. Đơn cử, ngày 28/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Trốn thuế” đối với N.A. (SN 1985, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Vụ việc này được cơ quan thuế phát hiện và chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. Theo tài liệu điều tra, từ năm 2016 đến 2018, N.A kinh doanh online trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến chủ yếu là Facebook và Google với doanh thu hơn 147 tỷ đồng. Tuy nhiên, N.A. đã không thực hiện việc kê khai và nộp thuế với số tiền hơn 10,3 tỷ đồng từ đó đến nay.

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, đã có 4 ngân hàng thương mại cung cấp cho cơ quan thuế các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google với tổng số tiền nhận từ nước ngoài hơn 51,2 triệu USD và 21,4 tỷ đồng.

Để siết chặt quản lý thuế, cơ quan thuế đã nâng cấp, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng, các nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được đối tượng quản lý thuế, số giao dịch phát sinh, doanh số, số thuế phải nộp, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch thương mại trên các nền tảng số, kinh doanh qua mạng. Phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập các thông tin doanh nghiệp, thu thập thông tin, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, Youtube...

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, cần sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại, đồng thời áp dụng nghiêm các chế tài để nhằm xử lý triệt để tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng.

Pháp luật quy định rất rõ về hành vi trốn thuế, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người nộp thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nêu rõ: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, các cá nhân có phát sinh doanh thu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Facebook, YouTube… trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế. Hai loại thuế mà cá nhân kinh doanh phải đóng là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm