Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cao Bằng xếp cuối bảng chỉ số PCI năm 2021

Thứ tư, 27/04/2022 - 18:41

(Thanh tra) - Hôm nay (27/4), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Việt Nam năm 2021.

Quang cảnh lễ công bố chỉ số PCI năm 2021. Ảnh: TQ

Theo đó, tỉnh Cao Bằng xếp cuối bảng với số điểm 56,29, tiếp đến là Hòa Bình 57,16 điểm. Hai tỉnh này được xếp vào nhóm “thấp” của bảng xếp hạng.

Nhóm xếp hạng “tương đối thấp” gồm 07 tỉnh: Kon Tum 58,96 điểm, Kiên Giang 59,73 điểm, Hà Giang 60,53 điểm, Ninh Nình 60,53 điểm, Quảng Bình 61,17 điểm, Lai Châu 61,22 điểm và Bạc Liêu 61,25 điểm.

Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ năm liên tiếp với số điểm đánh giá 73,02, giảm gần 3 điểm so với năm 2020. Tỉnh này đứng đầu chỉ số gia nhập thị trường (7,98 điểm) và chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).

Đây cũng là địa phương duy nhất được xếp ở nhóm "rất tốt" vì đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp...

11 địa phương nằm trong nhóm “tốt” của PCI 2021 gồm: Hải Phòng 70,61 điểm, Đồng Tháp 70,5 điểm, Đà Nẵng 70,42 điểm, Vĩnh Phúc 69,89 điểm, Bình Dương 69,61 điểm, Bắc Ninh 69,45 điểm, Thừa Thiên Huế 69,24 điểm, Bà Rịa Vũng Tàu 69,03 điểm, Hà Nội 68,5 điểm, Bình Định 68,32 điểm và Cần Thơ 68,06 điểm.

Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2021. Ảnh: TQ

Theo VCCI, điều tra PCI năm qua diễn ra trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện.

Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Cùng đó, các địa phương cũng nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, khi chỉ gần 21% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Con số này giảm khoảng 7,7% so với 2020.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong đấu thầu cũng giảm hơn 3% so với 2020, còn 36,8%. Khoảng 21,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng tình trạng "chạy án" là phổ biến, giảm 2,6% so với năm 2020.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng chính quyền các địa phương vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cải cách các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm, môi trường, xây dựng và quản lý thị trường.

PCI là bộ chỉ số hợp thành bởi các chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh...

Chỉ số này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương. PCI được xây dựng từ năm 2005 và đến nay đã qua 17 năm công bố.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm