Khơi thông “điểm nghẽn”…

Từ một địa phương bị đánh giá có hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp thấp kém trong cả nước, Quảng Ninh giờ đây đã trở thành một tỉnh có hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để có được kết quả đó, Quảng Ninh đã sớm nhận diện được những “điểm nghẽn”, đề ra những bước đi, cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, tạo nên những giá trị khác biệt.

Điển hình, cuối năm 2011, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh). Đây là tổ chức chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh, trực tiếp do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban…

Để khẳng định rõ vai trò năng động, sáng tạo của mô hình này, đầu năm 2012, Quảng Ninh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô quốc tế với sự đón nhận, tham dự của hơn 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Được xem như “hệ thống một cửa minh bạch, rút gọn” IPA đã góp phần rút ngắn gần 50% thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư so với quy định của pháp luật; số lượng thủ tục được cắt giảm từ 35 xuống còn 13 thủ tục trong 2 lĩnh vực chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, IPA Quảng Ninh được đánh giá là mô hình hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp, làm kinh nghiệm cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước học tập, triển khai.

Ở Quảng Ninh, ngoài IPA làm đầu mối, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã có những cách làm riêng biệt để hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn.

Đồng thời, tỉnh vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, ưu thế phát triển của địa phương, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…

Trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư

Với những bước đi, cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh có trên 9.300 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng; cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 89.087 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 11,3%/năm. Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện.

Qua nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, với những hoạt động đổi mới trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã có thêm 5.398 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 17.105 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 381.000 tỷ đồng.

Tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn tỉnh đạt 430.734 tỷ đồng; trong đó, đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 70 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 120.108 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 129 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 310.626 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số này, có 26 dự án FDI được cấp mới và điều chỉnh, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,614 tỷ USD, gấp 3,6 lần so với nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước, khi một loạt các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tìm đến đầu tư trên nhiều lĩnh vực và đã hình thành nên nhiều công trình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, như: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Công viên Đại Dương, Khách sạn Vinpearl, FLC Hạ Long, Bệnh viện Quốc tế Vinmec, Trường học Quốc tế Singapore, nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị điện tử của Foxconn, Tổ hợp Công nghiệp ô tô Thành Công…

Để tiếp tục giữ vững thương hiệu của Quảng Ninh về một “điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”, thời gian tới, tỉnh sẽ đặc biệt nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tập trung vào các trụ cột chính như chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực…

Cùng với đó, xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân; đạt các chuẩn mực quốc tế, “nói không” với tham nhũng, tiêu cực và tăng cường trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp.

Với việc sớm nhận diện và khơi thông được những “điểm nghẽn”, đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều dòng vốn "khủng", trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với các nhà đầu tư. Qua đó, tạo nên những giá trị khác biệt, làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực cho địa phương tiếp tục bứt phá và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Trọng Tài