Những năm qua, tại khu vực DA này đi qua địa phận thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh xuất hiện nhiều bất cập khiến người dân khiếu kiện kéo dài. Nguyên nhân là do việc thiết kế, thi công một số hạng mục của DA không sát đúng với thực tế, đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân; nhất là khi mùa mưa lũ đến, hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp có nguy cơ sạt lở, đất đá bồi lấp mặt ruộng không thể canh tác được…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, sau khi nắm bắt tình hình thực tế, từ cuối tháng 10/2019, UBND xã đã có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đà Nẵng, Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (BQL DA) nêu rõ: “Tại vị trí cống Km15+6424.35 đang thi công gần hoàn thiện công trình, qua thực tế đợt mưa lũ vừa qua và phản ánh của nhân dân địa phương, UBND xã Hòa Ninh cùng đại diện BQL DA đã kiểm tra thực tế, xét thấy việc thi công cống chưa phù hợp. Miệng cống đầu thượng lưu và hạ lưu không nằm đúng vị trí dòng suối chảy tự nhiên của khe chính chảy từ đầu nguồn trên địa bàn xã. Mới đầu mùa mưa, nhưng dòng nước bị ngăn chặn, tràn sang diện tích đất nông nghiệp của người dân, gây xói lở toàn bộ diện tích đất xứ đồng Cây Ươi, thôn Hòa Trung”.

Nếu công trình DA hoàn thiện đưa vào sử dụng thì sẽ xảy ra ngập lũ cục bộ đối với diện tích nằm trên thượng lưu, toàn bộ đất nông nghiệp trong khu vực sẽ bị xói lở nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Hòa Ninh đề nghị Sở GTVT kiểm tra thực tế để có giải pháp thiết kế, bố trí phù hợp. Hiện tại, công trình cống sắp hoàn thiện, miệng cống phần thượng lưu và hạ lưu không nằm chính diện với dòng chảy của khe suối mà nằm toàn bộ trên các thửa đất ruộng của người dân.

Do vậy, cần thu hồi đất nông nghiệp, thiết kế xây dựng thêm bờ kè chắn bảo vệ đất nông nghiệp, thêm cống dẫn nước vào miệng cống phần thượng lưu. Phần hạ lưu cũng phải thu hồi đất, cải tạo thay đổi dòng chảy theo khe suối chính, thiết kế thêm một cống phụ bên cạnh để thoát nước mùa mưa lũ…

Tuy vậy, sau gần một năm, đề nghị của UBND xã Hòa Ninh vẫn chưa được cơ quan chức năng xem xét, xử lý thoả đáng.

Ngày 20/10/2020, UBND xã Hòa Ninh tiếp tục có báo cáo gửi UBND huyện Hòa Vang và BQL DA đề cập: “Mấy ngày qua, mưa lũ rất lớn đã gây ngập lụt một số nhà dân và đất nông nghiệp nằm trên phần thượng lưu của cống DA đường vành đai phía Tây tại Km15+624.35. Nước chảy gây xói lở trôi, bồi lấp, mất đất sản xuất nông nghiệp của người dân phần hạ lưu, do cống nước đã thi công ngăn cản, thay đổi dòng chảy khe suối chính”. 

Ngay sau đó, BQL DA có công văn gửi Liên danh Tư vấn thiết kế Tecco5-TCD-CICCO đề nghị kiểm tra xử lý thiết kế kỹ thuật cống Km15+624.35 của DA tuyến đường vành đai phía Tây Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ông Lê Văn Cừ, cán bộ địa chính xã Hòa Ninh cho biết thêm, năm 2021, việc xử lý khắc phục thiết kế kỹ thuật tại khu vực cống Km15+624.35 vẫn chưa được tiến hành gây bức xúc cho nhiều hộ dân tại khu vực. Vào giữa tháng 4/2021, đã xảy ra vụ việc cản trở thi công của hộ ông Nguyễn Hân, Nguyễn Khải (thôn Hòa Trung). UBND xã, BQL DA cùng nhà thầu thi công… đã phải họp xử lý vướng mắc.

Nguyên nhân người dân cản trở thi công là do thiết kế hạ tầng kỹ thuật cống thoát nước bố trí không phù hợp với thực tế dòng chảy, gây xói lở, mất đất sản xuất của người dân; nhiều hộ dân ở Hòa Trung vẫn tiếp tục khiếu kiện đến chính quyền các cấp.

UBND xã đã xác định, có đến hơn 10 nghìn m2 đất sản xuất của người dân nguy cơ bị xói lở tại khu vực thi công cống thoát nước này.

Cũng tại thôn Hòa Trung, tại khu vực Km14+666.10 thuộc xóm đồng Ông Tự, đã có hơn 100 hộ dân và hàng chục nghìn m2 đất sản xuất cũng rơi vào tình trạng mùa mưa bị ngập úng, mùa nắng không có nguồn nước để tưới tiêu; do quá trình thi công DA đã lấp đường kênh thoát nước tại khu vực…

Những bất cập này đã được UBND xã đề nghị xử lý khắc phục nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Người dân xã Hòa Ninh rất mong chính quyền, ngành chức năng cần có sự phối hợp để xem xét giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập khi thi công DA đường vành đai phía Tây tại địa phương, nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân về lâu dài, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Được biết, DA đường vành đai phía Tây Đà Nẵng có tổng chiều dài hơn 19km, được triển khai thi công từ cuối năm 2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Tuy nhiên, đến nay đã chậm tiến độ hơn một năm và vẫn chưa xác định bao giờ mới xong…

Nguyên Phê