Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tiềm năng, giá trị của các công trình thủy lợi

Hoàng Nam

Thứ hai, 13/11/2023 - 21:21

(thanh tra) - Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các công trình thủy lợi vừa và lớn được khảo sát, tính toán trong quá trình xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, việc khai thác đa mục tiêu, đa giá trị công trình thủy lợi có tiềm năng rất lớn.

Ông Đoàn Thế Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi. Ảnh: Hoàng Nam

Thực tế, tùy theo loại hình công trình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương... mà khả năng phát huy đa mục tiêu sẽ khác nhau như: Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho nhà máy nước sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp; tiêu nước cho khu công nghiệp, khu đô thị; kết hợp phát điện...

Theo ông Đoàn Thế Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi, vừa qua, các cơ quan, các chuyên gia, nhà quản lý đã nhận diện, nêu ra nhiều nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc của ngành thủy lợi nói chung và của các công ty khai thác công trình thủy lợi (công ty) nói riêng, nhưng đó vẫn chỉ là những vấn đề ở bề “nổi”, mà chưa đề cập đến những vấn đề “chìm” còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Đó là vấn đề về thiếu hụt kinh phí sửa chữa, khiến cho các công trình thủy lợi bị xuống cấp rất nhiều, khi đó, giá trị mà các công trình thủy lợi mất đi do không được sửa chữa là rất lớn. “Năm nay không bảo trì, sửa chữa, có thể chúng ta chưa thấy ảnh hưởng, năm sau có thể cũng chưa thấy ảnh hưởng, nhưng vài ba năm sau nữa thì ảnh hưởng là cực kỳ lớn”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ở vùng miền núi, Tây Nguyên, với hệ thống hồ, đập lớn thì việc phát huy tiềm năng có thuận lợi hơn so với vùng khác. Nhiều đơn vị khai thác đã có nguồn thu tương đối lớn từ việc cấp nước thô cho sinh hoạt, công nghiệp (Thái Nguyên, miền Nam... ), phát điện từ thủy điện (Sơn La, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận...), du lịch, dịch vụ (Yên Bái, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Gia Lai...), nuôi cá lòng hồ (Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc...).

Đối với các địa phương vùng đồng bằng, công trình thủy lợi phục vụ cấp nước thô cho nhà máy nước sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp (Hải Phòng); tiêu nước cho khu công nghiệp, khu đô thị (Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên). 

Ông Lợi cho rằng, những bất cập của cơ chế, chính sách đã được nhận diện đầy đủ, việc sửa đổi là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cần lắng nghe các ý kiến xây dựng, sớm tham mưu để chỉnh sửa kịp thời. Ông lấy ví dụ về việc xây dựng giá thủy lợi, cần có sự tách bạch giữa giá thủy lợi và phần hỗ trợ bù kinh phí. Khi tạo được cơ chế giá minh bạch, dựa vào đó để vận hành cơ chế thị trường, từ đó bình tuyển và đào thải những đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Đặc thù của ngành thủy lợi khác nhau tùy từng vùng miền, từng địa phương, vì vậy, Nhà nước chỉ nên quy định khung giá chung cho các vùng, còn mỗi địa phương, căn cứ vào từng hệ thống công trình do từng Công ty quản lý để quy định mức giá cụ thể thì sẽ giảm bớt được các thủ tục hành chính.

Để thúc đẩy, tạo động lực cho các Công ty, đầu tiên là cần phải sửa đổi các cơ chế, chính sách, trong đó, phải tách mức hỗ trợ ra khỏi cơ chế tính giá; thứ hai là cần phải phát huy vai trò tự chủ của các Công ty, thứ ba là phát huy vai trò của cộng đồng, nhân rộng những mô hình vận hành hiệu quả để áp dụng.

Cùng quan điểm với ông Lợi, ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam chia sẻ, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về cách tính giá thủy lợi, nếu không thể tính đúng, tính đủ được thì cần quy định một khung giá nhất định để các công ty thực hiện trong khung giá đó. Tùy theo tình hình tài chính của từng đơn vị và ngân sách của mỗi địa phương thì sẽ có mức hỗ trợ phù hợp. Không thể để mãi tình trạng như thế này, nếu cứ tiếp tục kéo dài, sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, các công ty sẽ có lúc không có khả năng thanh toán tiền lương, không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa….

Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Nam

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam là một trong những đơn vị khai thác đa mục tiêu các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn thu ổn định, bù đắp một phần kinh phí cho cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích. Các sản phẩm dịch vụ đa mục tiêu của công ty gồm: Cung cấp nước cho sản xuất nước sạch, cấp nước cho công nghiệp, cấp nước phát điện, cấp nước cho chăn nuôi, xả thải, cho thuê mặt nước, vận hành cầu máng. Doanh thu 3 năm gần đây đều có sự tăng trưởng ổn định, cụ thể: Năm 2020 là 15,234 tỷ đồng, năm 2021 là 17,395 tỷ đồng và năm 2022 là 21,21 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM (Công ty Thủy lợi TP HCM), cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ cơ chế về giá, phí thủy lợi, các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ thủy lợi công ích. Hiện tại, với cơ chế đấu thầu các dịch vụ thủy lợi công ích là không thể thực hiện được, chỉ có cơ chế đặt hàng là giải quyết được các vấn đề đang phát sinh, vừa đáp ứng được yêu cầu kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng được hiệu quả nhiệm vụ, công việc. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu để sửa đổi cơ chế, chính sách, để các công ty, các địa phương tổ chức thực hiện tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM. Ảnh: Hoàng Nam

Việc quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đa mục tiêu tại TP HCM được thực hiện với tinh thần chủ động quản lý tối ưu nguồn nước, ứng dụng công nghệ trong quản lý để giảm tối đa nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp - tưới vừa đủ, tránh lãng phí - để chuyển sang cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp, từ đó nâng cao giá trị nguồn nước, các doanh nghiệp chủ động về nguồn thu hơn, nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động. Theo số liệu của Công ty Thủy lợi TP HCM, doanh thu từ khai thác các dịch vụ đa mục tiêu trong các năm gần đây ổn định và có sự tăng trưởng đều, cụ thể: Năm 2020 mức thu là 61,338 tỷ đồng, năm 2021 là 64, 395 tỷ đồng và năm 2022 là 65,510 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này, theo ông Đam, công trình thủy lợi cần được chú trọng đầu tư nâng cấp phù hợp, theo hướng hiện đại hóa; ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành nhằm kiểm soát tối ưu nguồn nước; để sử dụng hiệu quả, nâng cao giá trị nguồn nước từ công trình thủy lợi, cần phải tìm đầu ra, tìm khách hàng tiêu thụ sản phẩm mà nguồn nước từ công trình thủy lợi là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.

Thống kê của Cục Thủy lợi còn cho biết, ngoài các địa phương trên, còn có những đơn vị khai thác có doanh thu từ khai thác đa mục tiêu đảm bảo nguồn thu ổn định, bù đắp một phần kinh phí cho cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích: Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm