Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đảm bảo tăng trưởng

Thứ bảy, 23/10/2021 - 21:51

(Thanh tra) - Trước thực trạng dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, trong đó có giá thịt lợn hơi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã chủ động hướng dẫn triển khai kế hoạch sản xuất, phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, các giải pháp hỗ trợ các địa phương ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác của Bộ thăm trang trại lợn tại huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: LP

Giá lợn giảm là do quy luật cung- cầu và thị trường

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ đã đi kiểm tra tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) để nắm bắt nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm.

Sau khi thăm quan các mô hình chăn nuôi lợn tại huyện Thanh Oai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, giá lợn giảm trong thời gian vừa qua là do quy luật cung - cầu và thị trường. Do thời gian giãn cách kéo dài đã dẫn đến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy và người chăn nuôi lợn không tiêu thụ được lợn. Ở đây, hoàn toàn toàn là do vấn đề thị trường. Do đó, bà con nông dân không nên vội hoảng hốt.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian qua, do các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khiến nhu cầu sử dụng thịt lợn đã giảm xuống do các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tạm đóng cửa, cùng với đó chi phí đưa lợn từ chuồng nuôi đến chợ truyền thống, trung tâm thương mại đội giá lên.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, với chuỗi chăn nuôi khép kín hiện cơ sở có khoảng 400 lợn nái và 4 nghìn lợn thịt; mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 nghìn 200 tấn lợn. Sau một thời gian dài giá lợn hơi và nguồn cung sụt giảm do phòng, chống dịch Covid 19 nhưng nhờ chăn nuôi theo chuỗi và chủ động nguồn con giống và thức ăn cùng liên kết với hệ thống phân phối là các siêu thị nên cơ sở không chịu ảnh hưởng nhiều.

“Làm theo chuỗi nên khi giá lợn giảm, hợp tác xã chủ động tạm dừng chưa bán để giảm thiệt hại. Đến thời điểm này, các chuồng nuôi lợn đã được lấp đầy. Nhờ với những quyết sách của Chính phủ cũng như thành phố về khôi phục sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19 giá lợn đã tăng trở lại. Mong muốn giá cao hơn nữa để người chăn nuôi giảm bớt rủi ro”, ông Long cho biết.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, 3 ngày trở lại đây giá heo hơi đã tăng trở lại khi thị trường đã được mở rộng, các lò giết mổ, chợ truyền thống, nhà hàng đã mở cửa trở lại. Tất cả những yếu tố trên đã kích hoạt nhu cầu sử dụng nông sản, trong đó có thịt lợn.

"Khi kích hoạt chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, nhà hàng hoạt động trở lại thì rõ ràng đã mở ra nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Và hôm nay, sau đi khảo sát, tôi được biết giá thịt lợn đang tăng trở lại và dự báo khi nhu cầu tăng lên, thì giá lợn sẽ còn tiếp tục tăng trở lại", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo Bộ trưởng, quy luật cung cầu của thị trường là khi việc liên kết sẽ góp phần giảm rủi ro và gia tăng giá trị của sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, cần xác định đúng nguyên nhân để có các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các mô hình, chuỗi liên kết không chỉ của ngành Chăn nuôi nói riêng mà các ngành hàng khác của nông nghiệp.

Giá lợn thịt xuất chuồng dự kiến sẽ tăng trở lại khoảng 2 tuần tới

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021, tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới), tăng 5%, sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển với tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con (chiếm 23-24% đàn lợn thịt cả nước).

Trong 9 tháng, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn. Tổng nhập khẩu 214 ngàn tấn thịt các loại, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước; trong đó có 112 ngàn tấn thịt lợn. Tuy nhiên, 9 tháng cũng đã xuất khẩu được 2.342 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải sang), 3 ngày trở lại đây giá heo hơi đã tăng trở lại khi thị trường đã được mở rộng, các lò giết mổ, chợ truyền thống, nhà hàng đã mở cửa trở lại. Ảnh: LP

Trong thời gian qua, do dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động ... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30-50%.

Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế... Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo kết quả khảo sát, trong 9 tháng năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm dần; từ tháng 3, 4 giá từ 70.000-75.000 đg/kg, đến tháng 8, 9/2021 giá từ 42.000-50.000 đồng/kg, sang tháng 10/2021 tính đến thời điểm hiện tại, giá dao động từ 35.000-45.000 đg/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg đối với lợn quá lứa, khối lượng 130-160kg.

2 - 3 ngày qua, các vùng giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại, từ 5 - 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.

TP HCM hàng ngày cần khoảng 1.600 tấn thịt các loại và 2,2-2,5 triệu quả trứng... Vừa qua do giãn cách xã hội nên nhu cầu giảm chỉ bằng 50-55% so với khi chưa có dịch. Đối với TP Hà Nội, nhu cầu 1 tháng cần khoảng 18,6 ngàn tấn thịt lợn; thịt gia cầm cần khoảng 6,2 ngàn tấn; trứng gia cầm cần 124 triệu quả... Trong thời gian giãn cách xã hội nhu cầu giảm khoảng 40-50%.

Trong khi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm thì giá và thị trường nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, tăng từ 16-36%; trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Điều này khiến người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng với số lượng khoảng 30% (1,5-2 triệu con). Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phát sinh lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm