Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải thu hồi trên 160 tỷ đồng

Thứ tư, 09/03/2011 - 07:00

(Thanh tra)-Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Cơ quan Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các qui định của pháp luật trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng TMCP. Đến nay, cả 5 kết luận thanh tra được Thủ tướng đồng tình với các kiến nghị của cơ quan TTCP và cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện kết luận thanh tra. Kết quả này cho thấy, hầu hết các ngân hàng TMCP được thanh tra đều có sai phạm trong việc cho vay hỗ trợ lãi suất.

MB cần thu trên 22 tỷ đồng

Sau khi có nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tính đến 31/12/2009, toàn hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (viết tắt là MB) đã cho vay 27.446 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 243,3 tỷ đồng.

Việc xác định sai thời gian cho vay hỗ trợ lãi suất không đúng qui định đã được thực hiện với nhiều doanh nghiệp với số tiền trên 15,7 tỷ đồng. Đáng kể là các “ông lớn”: Cty Đầu tư và phát triển công nghệ thông tin, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Long, Tổng Cty Xăng dầu quân đội và Cty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến VTC. 20 doanh nghiệp khác cũng được Ngân hàng MB xác định giá trị, thời gian cho vay hỗ trợ lãi suất lớn hơn nhu cầu thực tế với số tiền hỗ trợ trên 7 tỷ đồng.

Techcombank trên 55 tỷ đồng sai phạm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng; kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm

- Thống đốc NHNN tiếp tục kiểm tra việc cho vay hỗ trợ lãi suất của toàn hệ thống ngân hàng; chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ quá trình quyết toán các khoản hỗ trợ lãi suất của các Ngân hàng thương mại; kiên quyết thu hồi các khoản tiền hỗ trợ lãi suất không đúng qui định.

- Thống đốc NHNN chỉ đạo Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các ngân hàng: MB, Techcombank, Á Châu ACB, Sacombank thực hiện nghiêm túc các kết luận của Thanh tra Chính phủ; Tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm nêu trong Kết luận thanh tra; Tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất; Chấn chỉnh kịp thời và tuân thủ nghiêm các qui trình cho vay theo Quy chế cho vay của Thống đốc NHNN; Thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng qui định để hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Tại Techcombank, TTCP chỉ ra hai dạng sai phạm chính trong hoạt động cho vay có hỗ trợ lãi suất. Đó là hành vi quay vòng hóa đơn và việc thẩm định hồ sơ gian dối dẫn đến hỗ trợ lãi suất với số tiền lớn, trên 55 tỷ đồng.

Đoàn Thanh tra đã phát hiện Cty TNHH Trường Ngân (có trụ sở tại 77A đường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) và Cty cổ phần PRIME Đại Lộc (trụ sở tại cụm Công nghiệp Đại Quang huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Cty TNHH Thương mại và Du lịch Nhật Trang đã quay vòng hóa đơn mua hàng để vay có hỗ trợ lãi suất. Cty Trường Ngân đã sử dụng chính hóa đơn mua hàng đã vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế để vay có hỗ trợ lãi suất tại Techcombank với số tiền trên 4,3 tỷ đồng. Cty cổ phần PRIME Đại Lộc đã sử dụng hóa đơn vay tiền tại Ngân hàng Habubank để vay trên 6,5 tỷ đồng có hỗ trợ lãi suất tại Techcombank. Cũng với biện pháp này, Cty Nhật Trang, kinh doanh mặt hàng cà phê và quần áo xuất khẩu sang thị trường Cuba đã vay trên 7 tỷ đồng tại Techcombank sau khi đã vay Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Kiểm tra hồ sơ vay đối với Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Công Chính, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thái Nguyên trụ sở tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, TTCP phát hiện việc đánh giá thẩm định sai sự thật. Cty Công Chính kinh doanh các năm 2008, 2009 thua lỗ hàng chục tỷ đồng nhưng Techcombank vẫn cho vay 1.793,9 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất trên 17 tỷ đồng.

Ngoài ra, TTCP cũng chỉ rõ, Techcombank đã hỗ trợ lãi suất cho nhiều khoản vay không đủ chứng từ hợp lệ đối với 7 doanh nghiệp khác: Cty Trường Ngân, Cty TNHH Tân Thịnh Phát (nay là Cty cổ phần Thịnh Phát Qui Nhơn), Cty TNHH Hải Thanh, Cty Cổ phần đầu tư và Xuất nhập khẩu FOODINCO, Cty TNHH Thanh Tâm, Cty TNHH Thủy sản Thái Bình Dương, Cty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng qui định cần được thu hồi về ngân sách Nhà nước của 7 doanh nghiệp nói trên là trên 4,2 tỷ đổng.

Techcombank cũng không tính đến các sổ tiết kiệm có lãi suất tiền gửi cao mà các doanh nghiệp này thế chấp để vay vốn, đã cho 8 doanh nghiệp vay 426,9 tỷ đồng, hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng: Cty TNHH Vân Long (Đà Nẵng), Cty cổ phần cơ điện Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), Cty TNHH Xuân Lộc (Hà Nội), Cty cổ phần Sản xuất thương mại Thành Công (TP. Hồ Chí Minh), Cty TNHH Một thành viên Bioseed Việt Nam (Hà Nội), Cty Liên doanh Fuji Anpha (Hưng Yên), Cty TNHH Một thành viên DAP (Hải Phòng) và Cty Cửa sổ nhựa châu Âu (Vĩnh Phúc).

Ngoài ra còn có 72 khách hàng được hỗ trợ lãi suất vượt thời gian sử dụng vốn vay thực tế. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất vượt quá qui định là trên 29 tỷ đồng.

Sacombank gần 30 tỷ đồng hỗ trợ sai

Ngân hàng Sacombank đã để 12/87 doanh nghiệp được vay vốn lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động kinh doanh và sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm có kỳ hạn, hưởng lãi trong thời gian được hưởng hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước: Cty TNHH Bách Tùng được hưởng 37 triệu đồng, Cty cổ phần sản xuất Nhựa Duy Tân hưởng 66 triệu đồng, Cty TNHH Sắt thép tôn Tuấn Kiệt hưởng 222 triệu đồng, Cty cổ phần Thép Pomina hưởng trên 35,8 tỷ đồng tiền lãi nhờ gửi tiết kiệm trong thời gian được hỗ trợ lãi suất, Cty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long hưởng 3,4 tỷ đồng, Cty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang hưởng trên 4,8 tỷ đồng, Cty cổ phần Du lịch An Giang hưởng trên 1,5 tỷ đồng, Cty TNHH Phú Lộc hưởng 55 triệu đồng, Cty cổ phần Docimexco hưởng 1,7 tỷ đồng, Cty cổ phần Xây lắp cơ khí và Lương thực thực phẩm hưởng 120 triệu đồng, Cty cổ phần Chế biến Thủy hải sản Minh Phú hưởng 811 triệu đồng… Tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho cả các khoản vay không có nhu cầu sử dụng vốn ở 86 doanh nghiệp là trên 26,2 tỷ đồng.

Đoàn Thanh tra cũng chỉ rõ việc Sacombank cho vay đối với các hồ sơ không đủ căn cứ pháp lý là trái với các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quyết định hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có Cty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Phong, trụ sở tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã lập hồ sơ để vay sau khi nhận tiền. Số tiền giải ngân trước là trên 24 tỷ đồng với số lãi suất được hỗ trợ 229 triệu đồng. Cty TNHH Tôn tráng kẽm Việt Nam trụ sở tại KCN Biên Hòa 1 TP Biên Hòa được Sacombank cho vay trên 104 tỷ đồng với sỗ lãi suất được hỗ trợ trên 716 triệu đồng trong khi tài sản thế chấp không có giấy tờ sở hữu đầy đủ. Sacombank cũng cho Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam vay vốn để thực hiện 3 dự án: Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với doanh số cho vay trên 656 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất trên 8 tỷ đồng. Trong đó, Đoàn Thanh tra đã đề nghị thu hồi trên 2,7 tỷ đồng tiền lãi đã hỗ trợ sau khi đã xác định số dư tiền gửi của Cty tại các ngân hàng trong năm 2009.

Với hai sai sót là thẩm định trước khi cho vay và kiểm tra, kiểm soát việc cho vay của khách hàng không chặt chẽ, Sacombank đã hỗ trợ lãi suất sai các qui định gần 30 tỷ đồng. TTCP đã kiến nghị thu hồi khoản tiền này nộp về ngân sách Nhà nước.

ACB 22 tỷ hỗ trợ sai

Tăng cường giám sát hoạt động cho vay có hỗ trợ lãi suất

TTCP đã đề nghị Thống đốc NHNN tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác giám sát và thanh tra, đặc biệt là thanh tra trực tiếp đối với hoạt động cho vay có hỗ trợ lãi suất, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc NHNN có biện pháp kiểm soát chặt chẽ quá trình quyết toán các khoản hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại, kiên quyết thu hồi các khoản tiền hỗ trợ lãi suất không đúng qui định. 

Kiểm tra 48% tiền cho vay hỗ trợ lãi suất, phát hiện 83 hồ sơ có khuyết điểm, sai phạm. 14/83 doanh nghiệp vay vốn lưu động lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động,  đã sử dụng vốn vay gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, để hưởng lãi. Cty CP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long đã sử dụng tiền vốn lưu động để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Ngân hàng ANZ, Ngân hàng HSBC… Số tiền lãi thu được trong thời gian được hưởng hỗ trợ lãi suất là trên 3,4 tỷ đồng. Tương tự, TCty Xăng dầu Việt Nam hưởng trên 95 tỷ đồng và TCty Thép Việt Nam hưởng trên 20 tỷ đồng, Cty Lương thực thực phẩm An Giang thu được 382 triệu đồng, TCty May Nhà Bè hưởng 669 triệu đồng, Cty Liên doanh TNHH KFC Việt Nam thu 545 triệu đồng, Cty CP Docimexco thu trên 1,7 tỷ đồng, Cty CP sản xuất hàng gia dụng quốc tế hưởng trên 2,3 tỷ đồng, Cty CP xuất nhập khẩu An Giang hưởng trên 4,2 tỷ đồng, Cty TNHH Minh Long I hưởng 757 triệu đồng… từ việc gửi tiết kiệm

Đoàn Thanh tra đã chỉ ra việc ACB còn cho vay khi hồ sơ không đủ căn cứ pháp lý tại Cty TNHH Tân Thạnh An, hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Dũng với số tiền hàng tỷ đồng hỗ trợ lãi suất.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tiếp theo.

Sai phạm trong hoạt động cho vay có hỗ trợ lãi suất có hai dạng chính:

- Không làm tốt qui định thẩm định trước khi cho vay: Điều này dẫn đến việc xác định việc cho vay không đúng đối tượng, không đúng qui định, thời gian cho vay vốn không đúng. Thậm chí có dấu hiệu gian dối trong việc thẩm định dẫn đến nguy cơ mất vốn (tại Techcombank).

- Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tiền vay của khách hàng không được thực hiện theo đúng qui định. Điều này dẫn đến việc hỗ trợ không đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ không đúng mục đích.

Nguyên nhân: Việc cho vay có hỗ trợ lãi suất là một chính sách mới, có tác động đến nhiều đối tượng, chưa có tiền lệ; việc ban hành và thực hiện gấp rút nên việc hướng dẫn, tốc chức thực hiện còn khó khăn. Trong một số trường hợp, các văn bản hướng dẫn của NHNN còn chưa cụ thể, chưa bao quát được tính phức tạp trong thực tiễn dẫn đến việc áp dụng các văn bản gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lai suất. Mặt khác, do có sự chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay có hỗ trợ lãi suất (chênh lệch này là đáng kể) dẫn đến các khách hàng vay có xu hướng lợi dung khe hở này để trục lợi.

Tuy nhiên, về chủ quan, sai phạm trên là do các ngân hàng chưa tuân thủ các qui định về Qui chế cho vay của các tổ chức tin dụng đối với khách hàng. Điều đó tạo sự bất bình đẳng giữa các đối tượng được thụ hưởng ưu đãi của chính sách tín dụng, thậm chí làm sai lệch mục đích, giảm hiệu quả chủ trương lớn trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và duy trì tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Đức Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất