(Thanh tra) - Xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” được xem là giải pháp mang tính đột phá đối với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, tại các mô hình thí điểm quản lý ATTP theo chuỗi đã xuất hiện nhiều thách thức.
Thách thức không nhỏ
Kiểm soát theo mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam cũng đã xây dựng được mô hình này với 4 ngành hàng rau, trái cây, thịt lợn và thịt gà qua dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án cho thấy, khó khăn lớn nhất chính là sự hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và doanh nghiệp đối với chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
Với người tiêu dùng, do mất niềm tin vào thực phẩm an toàn nên đa phần đã quyết định không mua sản phẩm. Vì sản phẩm ban đầu làm ra có thể sạch, nhưng không thể bảo đảm quá trình vận chuyển vẫn sạch, hoặc có thể vì lợi nhuận nên nhiều người bán hàng đã trà trộn lẫn sản phẩm thông thường với sản phẩm an toàn.
Còn với người sản xuất, theo bà Lê Vân Sơn - đại diện Đại sứ quán Canada (đơn vị hỗ trợ thực hiện Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm), khó khăn lớn nhất cho các mô hình thí điểm dự án xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là bản chất sản xuất nhỏ của Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng tác động tới đầu vào của chuỗi sản xuất an toàn. Đại bộ phận nông dân Việt Nam sản xuất quy mô nhỏ, rất nhỏ, rất khó để tập hợp, thực hành quy định về quản lý chất lượng, không có khả năng cung ứng ổn định một số lượng lớn các sản phẩm bảo đảm chất lượng và vệ sinh ATTP. Từ đó, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp lỏng lẻo và kém hiệu quả, chủ yếu trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Cũng đề cập tới nhận thức của người sản xuất, ThS Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) lại nhấn mạnh đến vấn đề lợi ích kinh tế. Theo bà, nông dân từ bỏ các mô hình sản xuất sạch vì “đầu tư nhiều nhưng lợi ích kinh tế không đủ bù đắp”. Trong khi đó, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn còn thiếu và chưa đồng bộ.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn, thách thức không nhỏ là năng lực hạn chế, độ tin cậy của các phòng thí nghiệm phân tích, kiểm định chất lượng; năng lực hạn chế của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP.
Đi tìm giải pháp
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, giải pháp hàng đầu để xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là hoàn thiện thể chế về vệ sinh ATTP.
Trước mắt, Dự thảo Thông tư Quy định phân tích nguy cơ và quản lý ATTP theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản (đang được lấy ý kiến) có thể góp phần “trám” những lỗ hổng trong khung pháp lý về ATTP hiện hành, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
Còn theo ThS Nguyễn Thị Minh Lý, giải pháp cơ bản là xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm an toàn. Trước tiên, cần dung hòa các bộ tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng an toàn để người sản xuất đỡ tốn kém. Thứ hai là vấn đề truy xét nguồn gốc thực phẩm. Hiện nay, tuy đã có cơ chế nhưng trên thực tế không thực hiện được, vì sản phẩm làm ra hiện được chuyển qua quá nhiều tầng lớp thương lái nên không nhận dạng được nguồn gốc, không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Thứ ba là cần đặc biệt chú trọng đăng ký bảo hộ thương mại, bảo vệ tốt thương hiệu của sản phẩm. Thứ tư là phải xây dựng thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm an toàn và bảo đảm có giá trị cao hơn so với sản phẩm thông thường.
Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần tạo sự khác biệt cho các sản phẩm an toàn để người tiêu dùng có thể nhận biết, phân biệt sản phẩm an toàn với các dạng sản phẩm khác. Cần có chương trình xây dựng chợ an toàn, dần thay đổi thói quen tiêu dùng. Từ đó mới tạo được những biến chuyển trong cơ chế sản xuất an toàn.
Cùng chung ý kiến, bà Lê Vân Sơn cho rằng, để thay đổi hành vi của người sản xuất, cần có các quy định pháp luật (bắt buộc) và đạo đức (nên làm). Trong điều kiện hiện nay, nên chú trọng tạo động cơ về mặt pháp luật và kinh tế, từ đó người sản xuất tự nhận ra lợi ích của mình khi sản xuất ra các sản phẩm sạch. Người tiêu dùng cần có yêu cầu khắt khe hơn để gây áp lực trở lại với toàn chuỗi, mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức nông dân để cùng sản xuất đạt quy mô và chất lượng, tạo nguồn cung ổn định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa, đưa vào đánh dấu thương hiệu từng vùng miền khi đưa ra thị trường, xác định được thị trường để lựa chọn. “Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về quy trình sản xuất, phân biệt đâu là sản xuất sạch, nếu không sẽ đánh mất thị trường nội địa, để mở cho hàng nhập khẩu mà chúng ta khó kiểm soát được”.
Đại Dương