Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhãn hàng riêng hỗ trợ an sinh

Thứ hai, 18/07/2011 - 09:07

(Thanh tra) - Trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay, những sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của nhiều siêu thị đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, không chỉ bởi chất lượng, mà còn là giá cả. Nhiều mặt hàng rẻ hơn 15-30% so sản phẩm cùng loại có mặt trên thị trường.

Wow - Nhãn hàng riêng đang được BigC tiếp cận tiêu dùng

Trong vài năm trở lại đây, nhãn hàng riêng đã được các siêu thị đẩy mạnh phát triển như một lợi thế trên thị trường bán lẻ.

Tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến hệ thống siêu thị Metro. Ngay khi có mặt tại Việt Nam từ năm 2002, Metro đã giới thiệu đến người tiêu dùng hàng loạt nhãn hàng riêng như Aro (hàng thực phẩm thiết yếu), Fine dreaming (hóa mỹ phẩm), Sigma (thiết bị văn phòng)… đang ngày càng  trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng chấp nhận.

Trong khi đó, siêu thị Co.opMart chính thức giới thiệu trên thị trường  nhãn hàng riêng từ năm 2007. Đến nay, nhãn hàng riêng của Co.opMart đã có trên 150 mặt hàng với hơn 800 mã hàng mang nhãn hiệu Co.opMart và SGC, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như trứng, gạo, nước mắm, thực phẩm đông lạnh… đến những đồ dùng gia đình, bếp núc… 

Còn đối với BigC, nhãn hiệu eBon, và đặc biệt là Wow đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Hiện nay, hơn 200 mặt hàng Wow có mặt trên thị trường, đây là dòng sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn nhất của hệ thống siêu thị BigC. BigC cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tung ra nhãn hàng riêng mang tên BigC với chất lượng tương đương các thương hiệu khác trên thị trường, nhưng giá bán thấp hơn từ 15-30%.

Bên cạnh đó, các siêu thị Citimart, Vinatex cũng đang đẩy mạnh phát triển nhãn hàng riêng. Lotte Mart dù mới vào Việt Nam nhưng cũng đã tung ra các nhãn hàng riêng mang đặc trưng văn hóa Hàn Quốc.

Việc sản xuất các nhãn hàng riêng được các siêu thị thực hiện bằng cách hợp tác với nhà sản xuất để cung cấp sản phẩm cho mình. Sau đó, siêu thị kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rồi gắn nhãn mác của mình lên sản phẩm.

Hiện nay, nhãn hàng riêng của các siêu thị thường có giá bán rẻ hơn từ 10-30%, thậm chí có những sản phẩm rẻ hơn 50-70% so với các mặt hàng cùng loại. Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc marketing siêu thị Co.opMart cho biết, để có giá tốt nhất cho người tiêu dùng, Co.opMart đã phối hợp với các nhà sản xuất nhằm hạn chế tối đa những chi phí phát sinh, cũng như tiết kiệm về chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, Co.opMart cũng tận dụng tiếp thị sản phẩm trên kênh quảng bá sẵn có trong hệ thống siêu thị nên giá thành của các sản phẩm nhãn hàng riêng luôn thấp hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cùng quan điểm đó, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại BigC cho rằng, với các chi phí trung gian như: Đại lý phân phối, thuê vị trí quầy kệ, chi phí tiếp thị, chi phí hậu cần… được cắt giảm tối đa, giúp các sản phẩm nhãn hàng riêng giảm được giá thành đáng kể.

Không chỉ giá thành rẻ, chất lượng của sản phẩm nhãn hàng riêng cũng được các siêu thị đặc biệt chú trọng thông qua việc lựa chọn, kiểm định và kiểm soát đối với nhà sản xuất từ khâu vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng.

Với lợi thế cạnh tranh này, người tiêu dùng đang ngày càng được hưởng lợi, nhất là khi giá cả leo thang như hiện nay.

Chị Hoàng Phương Thảo, Q.3, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Giá thành của các sản phẩm mang nhãn hàng riêng rẻ hơn rất nhiều so với các mặt hàng khác cùng loại trên thị trường mà chất lượng cũng được đảm bảo”. Đơn cử, cách đây 1 năm, chị Thảo đã mua một chiếc bàn ủi nhãn hiệu Wow có giá 89.000 đồng, trong khi nhiều nhãn khác có giá khoảng 250-400 ngàn đồng. Đến nay, chiếc bàn ủi vẫn được sử dụng rất tốt.

Tương tự, Chị Phạm Đan Thanh, Q.10, cho biết, trước đây, mỗi khi đi mua sắm ở siêu thị, chị luôn chọn mua những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên sau này tìm hiểu được biết, chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu của các siêu thị cũng rất tốt và giá lại rẻ hơn rất nhiều đã khiến chị đổi ý. Theo chị Thanh, từ khi sử dụng các sản phẩm Wow của siêu thị BigC, chị đã cắt giảm được 20% chi phí sinh hoạt của cả gia đình.

Sự xuất hiện các nhãn hàng riêng của siêu thị được xem là một tín hiệu tích cực của thị trường. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường với các nhãn hàng riêng mới nổi của siêu thị sẽ kỳ vọng mang đến những sản phẩm chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Thời điểm này, các thương hiệu nổi tiếng đang thất thế trong cuộc cạnh tranh khi siêu thị dành cho các nhãn hàng riêng của mình những vị trí trưng bày thuận lợi, bên cạnh những lợi thế về giá cả do không tốn chi phí tiếp thị, quảng cáo… cũng là lúc các thương hiệu nổi tiếng cần nhìn lại kênh phân phối của mình trong cuộc cạnh tranh sòng phẳng nhắm đến quyền lợi cho người tiêu dùng.

Việc cho ra đời các dòng sản phẩm mang nhãn hàng riêng như vậy, cho dù là một nghệ thuật kinh doanh của chuỗi các siêu thị, nhưng nhìn từ góc độ tiếp cận tiêu dùng, có ý kiến cho rằng, nghệ thuật kinh doanh này cũng góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy Nghị quyết 11 của Chính phủ phát huy thêm tác dụng trong mục tiêu an sinh xã hội.

Anh Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất