Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ tăng mạnh

Thứ ba, 26/04/2011 - 05:26

(Thanh tra)- Mặc dù thất thoát, lãng phí trong khai thác khoáng sản đã được Quốc hội nhiều lần chỉ ra và Chính phủ đã nỗ lực để ngăn chặn, nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Tình trạng “loạn thu” phí mỗi nơi một kiểu; trốn thuế, gian lận trong tính thuế, thu thuế và sử dụng phí bảo vệ môi trường…không đúng mục đích đã gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng.

* Việc thu và quản lý các loại phí và thuế đối với khoáng sản mỗi nơi làm một kiểu, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.


* Tại Quảng Ninh, phí môi trường đối với khai thác đá ốp lát là 50.000 đồng/tấn, nhưng với than đá chỉ có 6.000 đồng/tấn.Thất thu từ thuế và phí

Để chống thất thoát tài nguyên, tăng  thu cho ngân sách, phục vụ đắc lực quốc kế dân sinh, Viện Tư vấn phát triển (CODE -  thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa giới thiệu mô hình: “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng- EITI” có thể thực hiện tốt ở Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của CODE và VCCI, qua thực tế của 21 cơ quan quản lý doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bước đầu đã chỉ ra những lỗ hổng đáng suy nghĩ, như: Hiện có 9 loại phí và lệ phí khác nhau, 6 loại thuế và một số nghĩa vụ bắt buộc, hoặc trách nhiệm xã hội đang được áp dụng đối với các DN hoạt động khoáng sản, tùy theo việc khai thác từng loại khoáng sản, công nghệ khai thác, chế biến… Việc thu và quản lý các loại phí và thuế trên thực tế cũng khác nhiều so với quy định của pháp luật, bởi mỗi nơi làm mỗi cách, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng...

Đơn cử như việc thu thuế tài nguyên, phương thức xác định để tính thuế tài nguyên dựa trên khai báo và hóa đơn xuất - bán hàng của DN. Trong khi đó, không có cơ chế giám sát sản lượng hoặc còn lỏng lẻo, không rõ ràng, cụ thể nên không tránh khỏi tình trạng DN khai thác 10 nhưng chỉ khai báo 4 - 5 để vừa giảm thuế, vừa để bán chênh lệch sản lượng cho đối tác khác để thu lợi riêng. Cũng có trường hợp DN khai thác khoáng sản “móc nối” với đối tác ghi trên hóa đơn thấp hơn so với giá trên thị trường nhằm trốn một phần thuế tài nguyên. Tình trạng này rất phổ biến ở nhiều địa phương, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây thất thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường… cho ngân sách Nhà nước.


Việc thu phí bảo vệ tài nguyên hiện nay vừa thấp vừa chưa hợp lý, thiếu công bằng giữa các loại khoáng sản. Thậm chí, mỗi địa phương còn áp dụng một kiểu nên dẫn đến thiếu minh bạch và thất thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Điển hình như tại Quảng Ninh, phí môi trường đối với khai thác đá ốp lát là 50.000 đồng/tấn, nhưng với than đá chỉ có 6.000 đồng/tấn; trong khi khai thác than đá gây tác động tiêu cực đến môi trường nhiều hơn so với khai thác đá óp lát. Vì thế, mỗi năm Quảng Ninh chỉ thu về được gần 300 tỷ đồng từ phí tài nguyên, thấp xa so với khả năng nguồn thu thực tế.


Nhiều khoản thu phí khác không có trong quy định hiện hành của Pháp lệnh về Phí và Lệ phí cũng như Luật Khoáng sản, nhưng các địa phương vẫn “đẻ” ra thu và mỗi nơi áp dụng mức thu mội kiểu. Trong thu phí xây dựng hạ tầng, VCCI đã chỉ ra: Với mỏ đồng Sinh Quyền ở Lào Cai, địa phương thu 300.000 đồng/tấn quặng đồng thô, trong khi các DN khai thác titan ở Bình Định có mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng là từ 80 - 160 triệu đồng/ha… Các loại phí này được thu và sử dụng cũng chưa được bảo đảm công khai, minh bạch vì thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.


Minh bạch mang lại lợi ích nhiều mặt


Đánh giá của CODE và VCCI, cả nước có trên 5.000 mỏ, điểm quặng với 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như bauxite, titan, đất hiếm, đá vôi… đặc biệt, với trữ lượng tiềm năng dầu khí vào khoảng 6 tỷ tấn, khí vào khoảng 4.000 tỷ m3, đóng góp của ngành khai khoáng chiếm khoảng 10 - 11% GDP mỗi năm; doanh thu từ xuất khẩu khoáng sản đạt khoảng 8,5 tỷ USD, trong đó từ dầu thô đạt 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 25% trong thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, so với nguồn lực ưu tiên đầu tư lớn của Nhà nước và tiềm năng tài nguyên thì hiệu quả đạt được còn thấp.


Bên cạnh đó, vấn đề môi trường ô nhiễm nặng nề; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dạng thô nên giá trị xuất khẩu không đủ để nhập khẩu sản phẩm khoáng sản qua chế biến phục vụ cho nền kinh tế. Chưa kể, trật tự, an ninh, an toàn lao động, an sinh xã hội ở nhiều nơi có khai thác mỏ chưa bảo đảm. Các định chế về tài chính, nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật, chưa hoặc không được thực hiên nghiêm túc dẫn đến thất thu, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt, trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí từ 10 năm qua, nhiều khoản thu chi về các loại phí như: Phí mua và sử dụng thông tin về dầu khí từ các DN thăm dò khai thác dầu khí; phí hoa hồng (hoa hồng chữ ký, hoa hồng phát hiện thương mại và hoa hồng sản xuất); phí bảo vệ môi trường… được chỉ ra đang tồn tại nhiều điểm chưa rõ ràng, dễ phát sinh tiêu cực, cần được sớm khắc phuc.


Theo CODE và VCCI, để hạn chế thất thoát tài nguyên và thu ngân sách Nhà nước là không khó nếu thực hiện tốt “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng - EITI”. Đây là sáng kiến toàn cầu đã được thực hiện 10 năm qua trên thế giới, đến nay đã có 35 nước tham gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Việt Nam tham gia sẽ giúp Chính phủ tăng thu ngân sách cho Nhà nước, tăng cường chống tham nhũng, nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát quỹ, đặc biệt là chỉ số tín nhiệm sẽ được đánh giá cao hơn rất nhiều.


Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện CODE phân tích, đây là sáng kiến liên minh giữa Nhà nước, DN và các tổ chức xã hội. Như vậy, khi tham gia EITI thì 3 đơn vị này sẽ cùng ngồi trên một bàn làm việc, chắc chắn lòng tin của người dân với Chính phủ sẽ tăng lên. Uy tín của Việt Nam tăng lên sẽ giúp thu hút các DN trên thế giới đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản nhiều hơn và có hiệu quả hơn.


Thực tế ở nhiều nước, tài nguyên khoáng sản không nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng đóng góp tới 50 - 60% GDP hàng năm. Các nhà nghiên cứu của CODE và VCCI khẳng định, Việt Nam tham gia sáng kiến này sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong vấn đề nguồn nhân lực hay tài chính. Lý do, có thể kết hợp mô hình quản lý hiện có và nguồn tài chính sẽ được hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật nếu có đề nghị của Chính phủ.

 Trần Danh Thái  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất