Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đầu tư hạ tầng cơ sở để phát triển thủy sản bền vững

Lê Phương

Thứ năm, 10/06/2021 - 17:54

(Thanh tra) - Đó là ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến tại “Hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021” diễn ra ngày 10/6 do Bộ NNPTNT tổ chức.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: LP

Theo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản khai thác (chưa tính thủy sản nuôi trồng) năm 2020 cả nước đạt 3,435 tỷ USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 (khai thác lẫn nuôi trồng) tổng kim ngạch đạt 3,27 tỷ USD, cụ thể tôm 1,337 tỷ USD, cá tra 623,7 triệu USD, cá ngừ 292,5 triệu USD, mực và bạch tuộc 212,4 triệu USD, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 48,8 triệu USD, nhuyễn thể khác 5,2 triệu USD, cua ghẹ 54,3 triệu USD, cá biển khác 697,9 triệu USD...

Ngành Chế biến thủy sản hiện nay đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, nước ta có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác.

Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, đồ hộp. Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm hết sức phong phú: Thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, trong đó nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng được những thị trường khó tính trên thế giới: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Ngoài định hướng chế biến, tiêu thụ những năm gần đây, trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho xuất khẩu, lưu thông khó khăn, ngành Thủy sản đã chứng kiến nhu cầu chế biến, tiêu thụ nội địa các mặt hàng thủy hải sản tăng mạnh, đặc biệt các sản phẩm tươi sống, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu thực phẩm sạch trong nước, cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người dân. Giúp ngư dân thay đổi thói quen khai thác, quan tâm đến khâu bảo quản và rút ngắn ngày khai thác để có sản phẩm tươi ngon phục vụ thị trường nội địa.

Trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng của ngành thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đảm bảo duy trì ổn định, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản 8,5 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,6 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2020, cùng với Bộ NNPTNT, lãnh đạo các địa phương đã vào cuộc chỉ đạo điều hành quyết liệt tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý, định hướng phát triển nghề cá bền vững thông qua việc thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và bám sát khuyến nghị để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Qua đó, nhận thức và sự nỗ lực của ngư dân ngày càng được nâng cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá ngành Thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp; hay như an ninh trên biển tiềm ẩm khó lường và thời tiết cực đoan mưa bão nhiều những tháng cuối năm 2020.

Kênh phân phối tiêu thụ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Giá vận chuyển tăng, giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao giảm. Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch cải thiện còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

“Nếu không làm tốt bảo tồn thì sẽ không có nguồn lợi phát triển bền vững, đảm bảo bền vững giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu. Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NNPTNT đã có Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng về việc nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung này Bộ NNPTNT đã gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư  xem xét để trình Quốc hội khóa XV. Bộ NNPTNT cũng đã có đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản.

Riêng thực hiện kế hoạch hành động của ngành Tôm cũng có những chương trình riêng, như vậy, các nguồn vốn nếu được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và trong giai đoạn 2021 sẽ có những hạ tầng cơ sở đảm bảo được cho phát triển thủy sản một cách bền vững.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm