Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 02/01/2016 - 06:25
(Thanh tra)- Sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tạo ra một cơ chế phòng ngừa sâu rộng trong xã hội; từng bước hình thành hệ thống thông tin đánh giá về hiệu quả thực hiện các biện pháp PCTN; triển khai toàn diện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (giữa ảnh) cùng đại diện nhóm chuyên gia quốc tế làm việc với lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc khi đánh giá thực thi UNCAC
Đó là những vấn đề trọng tâm đặt ra cho công tác pháp chế của Thanh tra Chính phủ trong năm 2016 để Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia thành viên tham gia tích cực, trách nhiệm và thực thi tốt Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC).
Tội phạm tham nhũng đã mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước
Phải nói rằng, Việt Nam đã triển khai thực hiện tốt UNCAC trên cả 3 khía cạnh. Đó là, hoàn thành trách nhiệm đặt ra đối với quốc gia thành viên ở cả vai trò của quốc gia được đánh giá, cũng như quốc gia đi đánh giá; tham gia tốt vào các hoạt động, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ UNCAC và đáp ứng các yêu cầu về PCTN.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm đánh giá thực thi UNCAC của 3 quốc gia thành viên (Cộng hòa Áo, Trung Quốc và Cộng hòa Công Gô). Riêng đối với việc đánh giá Trung Quốc, các chuyên gia Việt Nam giữ vai trò chủ trì và làm đại diện nhóm chuyên gia quốc tế trong các trao đổi chính thức với các cơ quan, tổ chức của phía Trung Quốc. Dù quá trình đánh giá thực địa tại Trung Quốc được nhìn nhận là phức tạp và kéo dài nhất, nhưng các bên đều ghi nhận, đánh giá cao vai trò của chuyên gia Việt Nam. Với vai trò của quốc gia thành viên UNCAC, Việt Nam đã tham gia vào cuộc họp của các nhóm chuyên gia về phòng ngừa, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản, cơ chế đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm tốt và đóng góp ý kiến về việc thực thi UNCAC. Việt Nam cũng tích cực tham gia quá trình xây dựng, đàm phán các nghị quyết, cơ chế cho chu trình đánh giá tiếp theo như Nghị quyết về tiếp tục cơ chế đánh giá; đồng bảo trợ một số nghị quyết về phòng ngừa, giáo dục về PCTN; hỗ trợ Cam-pu-chia quy trình đánh giá UNCAC…
Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thành viên đầu tiên hoàn thành việc đánh giá thực thi UNCAC, bảo đảm đúng tiến độ, công khai, minh bạch, bao gồm cả việc huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội. Kết quả đánh giá cho thấy, Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ (phương án 1) 102/145 yêu cầu của Công ước; ban hành, tuân thủ và thực hiện nhưng chưa đầy đủ (phương án 2) 29/145 yêu cầu của Công ước; chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ (phương án 3) 14 yêu cầu của Công ước. Việc lựa chọn phương án 2 và phương án 3 nhìn chung phản ánh đúng thực trạng hệ thống pháp luật, nhất quán với nội dung bảo lưu và tuyên bố của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước.
Trên cơ sở kết quả đánh giá và kinh nghiệm tốt thu được từ các hoạt động trong khuôn khổ UNCAC, đặc biệt là việc tham gia vào cơ chế đánh giá, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của UNCAC, đặc biệt là việc Quốc hội mới thông qua Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, chủ thể của tội phạm tham nhũng đã mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước, công chức nước ngoài và công chức của các tổ chức quốc tế công; hoàn thiện cấu thành tội phạm các tội phạm tham nhũng về mặt khách quan cho phù hợp với yêu cầu của UNCAC; quy định việc chuyển hình phạt áp dụng đối với người phạm tội khi khắc phục được phần lớn tài sản phạm tội và tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng...
Thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài cần tiếp tục cải thiện
Tuy nhiên, so với các yêu cầu về PCTN của UNCAC, nhất là các chương về các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản; trước những yêu cầu mới về cơ chế đánh giá trong chu trình thứ hai, Việt Nam còn những điểm cần tiếp tục cải thiện là thẩm quyền, tính độc lập tương đối với cơ quan có chức năng chủ trì, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; hiệu lực thực thi pháp luật nói chung, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nói riêng; cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là nhận dạng, truy nguyên, tịch thu, hồi hương tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài và hợp tác quốc tế; các hình thức xử lý tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không giải trình được một cách hợp lý...
Bên cạnh đó, việc thiếu các giải pháp thu thập, thống kê dữ liệu, qua đó phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp PCTN hoặc làm rõ những tác động giúp cải thiện tình trạng tham nhũng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan PCTN, đặc biệt là trong việc chủ động kiểm soát thông tin về tài sản và thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn là những hạn chế lớn đặt ra hiện nay. Đồng thời, cơ chế thúc đẩy nhằm đảm bảo thực hiện các giải pháp, khuyến nghị được rút ra từ quá trình đánh giá nhằm nâng cao mức độ tuân thủ; trên cơ sở đó chia sẻ, cập nhật trong các khuôn khổ UNCAC cũng chưa được quy định rõ. Trong khi đó, đây là những xu thế tất yếu trong thời gian tới khi các quốc gia thành viên đều cam kết nâng cao việc triển khai UNCAC một cách thực chất, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa với những bằng chứng cụ thể.
Sửa đổi toàn diện Luật PCTN tạo cơ chế phòng ngừa sâu rộng
Từ góc độ của Thanh tra Chính phủ, kết quả thực thi UNCAC đặt ra yêu cầu, công tác xây dựng thể chế cần coi việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trên tinh thần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng và nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC.
Trong bối cảnh Quốc hội khóa XIII mới thông qua Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN cần có cách tiếp cận phù hợp với nhiệm vụ điều chỉnh là tạo ra một cơ chế phòng ngừa sâu rộng trong xã hội nhằm hạn chế phát sinh tội phạm tham nhũng và xử lý có hiệu quả khi có tội phạm tham nhũng xảy ra.
Cơ chế này cần hình thành dựa trên việc kiểm soát tốt công chức, công vụ (bao gồm cả vấn đề xung đột lợi ích); quản lý chặt chẽ thu nhập và chi tiêu trong xã hội (yêu cầu kê khai và chứng minh thu nhập); hình thành cơ chế cung cấp và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng có hiệu quả; xây dựng và thúc đẩy công khai, minh bạch, liêm chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; và kiện toàn bộ máy làm công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hữu hiệu.
Cùng với quá trình sửa đổi toàn diện Luật PCTN, để đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh chống tham nhũng, công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật cần được tiếp tục chú trọng, đổi mới theo hướng khách quan, khoa học hơn. Muốn vậy, công tác này cần được thực hiện dựa trên hệ thống các tiêu chí đánh giá, phương thức theo dõi, kiểm tra, đánh giá khách quan, phù hợp. Cách làm này sẽ giúp Thanh tra Chính phủ chủ động cập nhật thông tin định kỳ và đánh giá về kết quả thực hiện các quy định pháp luật về PCTN nói chung và việc thực thi UNCAC nói riêng.
Bên cạnh đó, triển khai toàn diện công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản pháp luật không chỉ nhằm phát hiện các quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN mà còn phải giúp phát hiện tình trạng này trong mối quan hệ với các lĩnh vực pháp luật khác như đầu tư, ngân sách Nhà nước, kinh doanh... Trên cơ sở đó, tính thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật cần được chỉ rõ, đặc biệt là chú trọng đến các quy định đảm bảo điều kiện thực hiện các biện pháp PCTN…
Nguyễn Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, toàn ngành Thanh tra thành phố Hải Phòng đã triển khai 131 cuộc thanh tra hành chính tại 336 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện sai phạm 37.964 triệu đồng.
Kim Thành
08:00 12/12/2024(Thanh tra) - Trong năm 2024, toàn ngành Thanh tra tỉnh Ninh Thuận phát hiện 349 trường hợp sai phạm (89 tổ chức, 260 cá nhân); ban hành 327 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xử lý khác với tổng số tiền 15.625,6 triệu đồng (đã thu nộp ngân sách 4.755,7 triệu đồng, số còn lại tiếp tục đôn đốc thực hiện).
Lâm Ánh
07:00 12/12/2024Thu Huyền
06:00 12/12/2024Thu Huyền
20:04 11/12/2024Chính Bình
15:33 11/12/2024Cảnh Nhật
14:16 11/12/2024Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank