Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

An Giang sẽ tiến hành 121 cuộc thanh tra trong năm 2024

Cảnh Nhật

Thứ ba, 02/01/2024 - 12:12

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký quyết định về việc phê duyệt công tác thanh tra năm 2024 của UBND tỉnh. Theo kế hoạch, trong năm 2024, toàn tỉnh An Giang sẽ tiến hành 121 cuộc thanh tra.

Năm 2024, toàn tỉnh An Giang sẽ tiến hành 121 cuộc thanh tra. Ảnh: Sở Nội vụ

Tập trung thanh tra lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm

Trong 121 cuộc thanh tra, Thanh tra tỉnh An Giang sẽ tiến hành 6 cuộc. Nội dung chủ yếu là về trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, tập trung vào những nơi có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tập trung những nội dung quan trọng như dự án đầu tư xây dựng; quy hoạch và thực hiện quy hoạch; quản lý, sử dụng đất rừng; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quản lý, điều hành hoạt động của quỹ đầu tư; quản lý, sử dụng tài chính…

Thanh tra các sở, ngành thực hiện 64 cuộc thanh tra. Nội dung về trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng các đơn vị thuộc; quản lý tài chính, tài sản, dự án đầu tư của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước; thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan Nhà nước.

Thanh tra huyện, thị xã, thành phố tiến hành 51 cuộc thanh tra về trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Trong đó, cần tập trung vào những nội dung quan trọng, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm như dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; mua sắm tài sản công; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn thu phí, lệ phí…

Đảm bảo thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Theo UBND tỉnh An Giang, kế hoạch thanh tra nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra.

Hoạt động thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục, bảo đảm nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của các cấp, ngành và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua thanh tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, thiếu sót trong quản lý Nhà nước; có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; đồng thời kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật còn bất cập, sơ hở.

UBND tỉnh yêu cầu hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nâng cao năng lực và đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước.

Kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra; khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Quá trình thanh tra phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thanh tra, thực hiện đúng nội dung, thời gian theo quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra được duyệt; đảm bảo tính khách quan, chính xác, công khai, minh bạch. Hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; thực hiện nghiêm túc về bảo mật thông tin, báo cáo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm