Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thời bình sao nhiều tướng thế!

Thứ năm, 14/06/2018 - 18:33

(Thanh tra)- Ngày 14/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi). Quy định về hàm cấp tướng nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu (ĐB) QH.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Chỉ 11 Giám đốc công an lên tướng hay tất cả?

Dự thảo luật quy định, Giám đốc Công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Bày tỏ quan điểm tán thành, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) lý giải, Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương Cục trưởng, được đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng, ngược lại các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải luân chuyển về các địa phương trọng điểm để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 3 năm. Thế nên, nếu hai cấp bậc hàm này chênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về mặt chính sách.

“Trong số 205 vị trí có quân hàm cấp tướng, trước đây với 8 tổng cục, 216 đầu mối, nay chỉ còn 60 đầu mối thì quân hàm cấp tướng ở cấp Bộ Công an, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bố trí cũng không hết được”, ông Cầu nói.

Hơn nữa, công việc của công an các tỉnh/ thành rất nhiều, quân số cũng rất lớn và tới đây sẽ tiếp tục tăng lên khi thực hiện chủ trương cải cách bộ máy của ngành Công an theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Mặt khác, ngành Công an không có cấp trung gian như quân chủng, binh chủng, quân khu như quân đội. 

“Quân hàm không chỉ mang tính chất phân biệt cấp trên với cấp dưới trong lực lượng vũ trang mà bản chất là tiền lương. Đã là tiền lương nguyên tắc là phải phân phối theo lao động”, ông Cầu nói, Giám đốc Công an các tỉnh/ TP loại 1 được trần cấp hàm Thiếu tướng, không chỉ đúng bản chất của tiền lương mà còn tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo lãnh đạo trong công an nhân dân.

ĐBQH Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu thì ủng hộ tất cả Giám đốc Công an các tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng và nhấn mạnh, điều này không làm tăng số lượng cấp tướng trong công an nhân dân. 

Lý giải điều này, theo ông Tới, cả nước có 11 địa phương phân loại 1, đồng nghĩa có 11 Giám đốc Công an tỉnh được phong hàm tướng. Nhưng các tỉnh, TP còn lại đều có địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu và  phức tạp về an ninh trật tự.

Giám đốc Công an là tướng thì “vênh” với quân đội

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc thăng và phong hàm cấp tướng đã, đang thực hiện theo quy định nhưng dư luận vẫn nhiều ý kiến khác nhau.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

“Có ý kiến cho rằng, trong thời bình mà sao nhiều tướng đến thế”, ông Tạo nêu và cho biết, ngay trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc cũng chưa có nhiều tướng như vậy. 

“Đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và ngành Công an nói riêng đã tăng lên nhiều. Nhiều cán bộ lão thành trong lực lượng vũ trang đã có ý kiến”, ĐBQH đoàn Lâm Đồng đề nghị, cố gắng hạn chế phong hàm tướng nhanh và nhiều như thời gian qua.

Đi vào vấn đề có nên phong hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an cấp tỉnh, theo ông Tạo, quy định như vậy sẽ tạo nên sự vênh nhau giữa công an và quân đội khi giám đốc công an là thiếu tướng còn Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lại là đại tá. 

“Điều này xem chừng bất hợp lý và khập khiễng trong quy trình tác chiến quân sự. Để bảo đảm cân bằng về hàm tướng lĩnh ở địa phương, chúng ta phải sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014 để nâng hàm cấp tướng cho Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.  Nhưng nếu sửa luật và phong quân hàm cấp tướng nhiều hơn thì dư luận, cử tri sẽ không ủng hộ”, ông Tạo nêu ý kiến.

Dùng quyền tranh luận, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, cách đặt vấn đề nên hay không nên, tương đồng hay không tương đồng việc nâng hàm trần cấp tướng giữa lực lượng công an và quân đội là chưa thuyết phục. Người nào xứng đáng trình độ là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, trình độ xứng đáng cấp tá thì phong tá.

 “Có thể địa phương này trong lúc này cần một cán bộ cấp tướng về chỉ đạo giải quyết vấn đề, nhưng giai đoạn khác, địa phương khác có nhu cầu thì lại điều chuyển đến vị trí đó. Không thể cứng nhắc chỗ này nhất thiết phải tướng, chỗ kia nhất quyết phải tá”, ông Lâm nói.

Thông báo của Bộ Chính trị vẫn nguyên giá trị

Trước ý kiến cho rằng số lượng được phong hàm cấp tướng vừa qua là nhiều, ĐB Trần Văn Lâm đề nghị Quốc hội quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Còn phân công người đó vào việc nào là tuỳ thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

ĐB Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) giơ biển tranh luận. Ông nêu lại Thông báo số 147/2013 của Bộ Chính trị, là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ trong luật, đúng nhu cầu, nghiêm túc, tách lương khỏi quân hàm để việc thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, lãnh đạo chỉ huy. 

“Quy định hàm cấp tướng, trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác. Đặc biệt, thống nhất cấp hàm của công an và quân đội ở cấp tỉnh, huyện tương đương nhau. Đây là thông báo của Bộ Chính trị”, ông Phong nhấn mạnh.

Tranh luận lại, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, thông báo của Bộ Chính trị năm 2013 đã “rất cũ, rất lâu”, có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện nên cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Theo ĐB, để bảo đảm tương thích việc phong hàm tướng giữa công an và quân đội là khó. “Theo đề án mới, Giám đốc công an tỉnh được phân cấp, phân quyền mạnh hơn, nhiều hơn và số lượng cán bộ công an tỉnh sẽ được tăng cường hơn đến 85% biên chế toàn lực lượng. Số lượng công an tỉnh bây giờ rất nhiều, trong khi đó số lượng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý ít hơn nhiều”, ông Quân nói.

Nghe vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, “thông báo của Bộ Chính trị 147 đến giờ tuy đã cũ nhưng vẫn nguyên giá trị vì chưa có văn bản thay thế”. Ông nhấn mạnh, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quy định về cấp hàm trong lực lượng vũ trang; đồng thời cần quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Bộ Chính trị.

“Tức là, việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ ngay trong luật, đúng yêu cầu, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong cấp tướng. Thông báo 185/2014 về số lượng, vị trí cấp hàm tướng trong công an nhân dân là không quá 205 người. Đến thời điểm này các thông báo này vẫn còn nguyên giá trị’, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên thảo luận.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm