Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lực lượng thanh tra hành chính CAND: Thực trạng và một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác

Thứ hai, 25/10/2021 - 17:27

(Thanh tra) - Thanh tra hành chính trong lực lượng CAND là hoạt động thanh tra của các cấp, các đơn vị công an có thẩm quyền đối với công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sỹ công an theo quy định về phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nội dung công tác thanh tra hành chính trong CAND gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật của công an các đơn vị, địa phương và của cán bộ, chiến sỹ công an; việc thực hiện nhiệm vụ công tác, quyền hạn được giao của công an các đơn vị, địa phương và của cán bộ, chiến sỹ công an.

Có thể nói, thanh tra hành chính là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động thanh tra hàng năm và được Bộ trưởng phê duyệt ngay trong kế hoạch công tác thanh tra hàng năm của lực lượng thanh tra CAND.

Trong những năm qua, lực lượng thanh tra CAND tiến hành ở tất cả các lĩnh vực công tác của lực lượng CAND như: Công tác xây dựng lực lượng, hoạt động tố tụng hình sự, nghiệp vụ, quản lý hành chính, công tác hậu cần - kỹ thuật….

Hoạt động thanh tra hành chính đã có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển công tác thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước theo cấp hành chính trong CAND, cụ thể: Hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra hành chính và nghiệp vụ công tác thanh tra hành chính đã có bước phát triển quan trọng. Hệ thống các quy định của Nhà nước và Bộ Công an về quy trình, quy chế, công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra ngày càng được phát triển hoàn thiện làm cơ sở nền tảng cho việc tiến hành hoạt động thanh tra. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn trong hoạt động thanh tra hành chính đã mang tính thường xuyên, kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra.

Hằng năm Bộtrưởng đã có kế hoạch công tác thanh tra để chỉ đạo trong toàn lực lượng. Căn cứ trên cơ sở kế hoạch của Bộtrưởng, Thanh tra Bộcó hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức tập huấn trong toàn lực lượng thanh tra CAND. Quá trình thực hiện công tác thanh tra hành chính của công an các đơn vị, địa phương đã được Thanh tra Bộthường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hướng dẫn kịp thời. Kết thúc thanh tra, Thanh tra Bộ đã tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá theo đúng quy định.

Hoạt động thanh tra hành chính trong CAND đã tập trung vào những lĩnh vực công tác quan trọng, nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành. Kết quả thanh tra đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Các chuyên đề diện rộng được lựa chọn tiến hành thanh tra là các lĩnh vực công tác cơ bản, quan trọng của ngành; các chuyên đề gắn với việc thực hiện pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân; các chuyên đề nghiệp vụ nhằm nâng cao sức chiến đấu cho các lực lượng nghiệp vụ; các lĩnh vực tài chính, hậu cần, xây dựng cơ bản, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm trong tổ chức thực hiện…

Công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chuyên đề thanh tra đã huy động nhiều lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng nghiệp vụ.

Quá trình tổ chức thực hiện đã có sự tham gia của nhiều đơn vị chức năng của Thanh tra Bộ và các cơ quan đơn vị thuộc lực lượng CAND.

Công tác phối hợp để tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra hành chính không chỉ phục vụ trực tiếp cho hoạt động thanh tra mà còn tạo ảnh hưởng sâu rộng của hoạt động thanh tra hành chính đối với các lĩnh vực công tác của lực lượng CAND.

Qua thanh tra đã đánh giá đúng thực trạng, làm rõ các tồn tại, hạn chế cơ bản trong việc thực hiện chính sách pháp luật nhiệm vụ của các công an các đơn vị, địa phương; đã làm rõ nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện các mặt công tác; khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các mặt công tác của công an các đơn vị địa phương để kiến nghị với Bộ, các cơ quan chức năng thuộc Bộ biện pháp khắc phục.

Từ kết quả thanh tra đã có nhiều kiến nghị giúp lãnh đạo Bộ và thủ trưởng công an các cấp trong xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác; phát hiện kịp thời các tồn tại, yếu kém để chấn chỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động chấp hành và điều hành của lực lượng CAND.

Bên cạnh các kết quả tích cực cơ bản và chủ yếu, công tác thanh tra hành chính của lực lượng CAND cũng còn những hạn chế nhất định trên một số phương diện như: Việc xây dựng các chương trình kế hoạch thanh tra hành chính, một số cuộc thanh tra còn trùng chéo nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời, ít nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị là đối tượng thanh tra. Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, nội dung đánh giá chưa toàn diện, sâu sắc. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chưa nắm chắc tình hình, chưa tiến hành khảo sát đánh giá đầy đủ tình hình lĩnh vực công tác dự kiến tiến hành thanh tra.

Căn cứ pháp lý thực hiện công tác nắm tình hình phục vụ công tác thanh tra hành chính: Điều 66 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định “cơ quan thanh tra Nhà nước có trách nhiệm thường xuyên thu thập thông tin về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra để phục vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và hoạt động thanh tra”.

Việc thu thập thông tin của cơ quan thanh tra Nhà nước được tiến hành thông qua các hình thức: Hoạt động quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Thu thập, phân tích, đánh giá thông tin từ báo chí; các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra cung cấp thông tin, báo cáo bằng văn bản. Cử công chức thu thập thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra phục vụ cho việc ra quyết định thanh tra đột xuất đối với những vụ việc phức tạp, đặc biệt phức tạp khi được thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước giao. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền thanh tra của cơ quan thanh tra Nhà nước có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin về tình hình chấp hành chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của cơ quan thanh tra Nhà nước, công chức được cử thu thập thông tin.

Điều 6 Thông tư số 03/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an quy định phối hợp trong hoạt động thanh tra hành chính của lực lượng CAND quy định: “Cơ quan thanh tra căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thường xuyên thu thập thông tin về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong CAND và yêu cầu quản lý của thủ trưởng cơ quan Công an cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật cơ quan thanh tra Nhà nước nói chung và cơ quan thanh tra thực hiện chức năng thanh tra hành chính trong CAND nói riêng có nhiệm vụ thường xuyên thu thập thông tin về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong CAND để phục vụ công tác thanh tra hành chính.

Công tác nắm tình hình theo chức năng của lực lượng thanh tra hành chính CAND đang được tổ chức thực hiện cụ thể như sau: Lãnh đạo đơn vị bố trí cán bộ, chiến sĩ theo dõi chuyên đề gắn với các lĩnh vực công tác công an (xây dựng lực lượng, an ninh; điều tra, trinh sát; quản lý hành chính; hậu cần - kỹ thuật).

Cán bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tích luỹ tài liệu, theo dõi, xử lý và tổng hợp kết quả các cuộc thanh tra của công an đơn vị, địa phương gắn với lĩnh vực được phân công; qua đó, vừa thực hiện chức năng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác thanh tra hành chính của công an đơn vị, địa phương, vừa phục vụ việc đánh giá, định hướng chương trình công tác thanh tra hành chính năm tiếp theo.

Hàng năm, căn cứ vào định hướng của Thanh tra Chính phủ, chủ trương, kế hoạch công tác của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương; lãnh đạo cơ quan thanh tra chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ rà soát các vấn đề nổi lên trong công tác công an để xác định chuyên đề thanh tra, phạm vi thanh tra, đối tượng thanh tra. Sau khi có kế hoạch công tác thanh tra hàng năm của lực lượng CAND, lãnh đạo cơ quan thanh tra phân công cán bộ tham gia từng đoàn thanh tra cụ thể để tập trung thu thập thông tin, tài liệu liên quan phục vụ xây dựng kế hoạch thanh tra. Tổ chức phối hợp với các đơn vị chức năng (đơn vị phối hợp tham gia đoàn thanh tra, cơ quan ủy ban kiểm tra công an các đơn vị, địa phương, các đơn vị phụ trách công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng…) để thu thập thông tin, tài liệu, xác định nội dung thanh tra theo kế hoạch.

Về nội dung, phương pháp nắm tình hình: Công tác nắm tình hình phục vụ công tác thanh tra hành chính hiện nay chủ yếu tập trung nắm quan điểm, chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương về định hướng công tác của lực lượng CAND hàng năm; tình hình về các sai phạm, khuyết điểm, hạn chế qua các cuộc thanh tra; tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; tình hình dư luận phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng…

Việc tổ chức thực hiện công tác nắm tình hình hiện nay chủ yếu thông qua việc nghiên cứu hồ sơ (các quyết định, kế hoạch, báo cáo, kết luận thanh tra hành chính), phối hợp với các đơn vị chức năng để thu thập các quy định pháp lý có liên quan, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện công tác nắm tình hình của lực lượng thanh tra hành chính CAND hiện nay đã định hướng, xác định được lĩnh vực công tác công an cần tiến hành thanh tra hàng năm gắn với định hướng của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Kịp thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác thanh tra hành chính của công an các đơn vị, địa phương và tổng hợp kết quả thanh tra hành chính trong lực lượng CAND.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác nắm tình hình của lực lượng thanh tra hành chính CAND hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cụ thể: Việc bố trí cán bộ theo dõi chuyên đề như hiện nay vẫn còn trùng dẫm lĩnh vực công tác công an được phân công theo dõi.

Công tác thu thập thông tin, tài liệu phục vụ nắm tình hình chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu được thực hiện bắt đầu từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra dẫn đến tình trạng còn bị động, lúng túng trong việc định hướng chương trình thanh tra hàng năm, xác định nội dung, đối tượng, phạm vi trong kế hoạch thanh tra.

Thông tin, tài liệu chưa được thu thập đầy đủ, chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật, chưa quan tâm thu thập các thông tin, tài liệu phản ánh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, nghiệp vụ công tác của các cơ quan, đơn vị, cá nhân; tình hình thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sai phạm có liên quan; đặc biệt là các chương trình, kế hoạch công tác, dự án, công trình… đang triển khai thực hiện.

Thông tin, tài liệu về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nghiệp vụ công tác của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ yếu được thu thập phục vụ các cuộc thanh tra hàng năm, chưa được tổng hợp, hệ thống hoá để phục vụ việc theo dõi, nắm tình hình thường xuyên.

Công tác phối hợp với các đơn vị chức năng, nhất là các đơn vị đầu mối cấp cục để nắm tình hình gắn với các lĩnh vực công tác công an chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu thực hiện khi có kế hoạch công tác thanh tra hàng năm và các cuộc thanh tra cụ thể.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình của lực lượng thanh tra hành chính CAND, xin kiến nghị một số giải pháp:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác thanh tra hành chính luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ và chỉ đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng ủy, lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo vông an các đơn vị địa phương. Đây là yếu tố quyết định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra hành chính. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần chú ý bám sát vào nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND trong từng thời kỳ để xây dựng kế hoạch công tác thanh tra hằng năm. Bên cạnh đó cần phải theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác thanh tra của các đơn vị để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra.

Hai là, căn cứ vào trình độ, năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo và thời gian đảm nhiệm công tác trong ngành Công an để bố trí, sắp xếp lại cán bộ theo dõi các lĩnh vực, tránh trùng dẫm giữa các lĩnh vực hoặc nghiên cứu sắp xếp bố trí theo dõi gắn với địa bàn là cơ quan, cấp hành chính trong CAND. Cán bộ theo dõi các lĩnh vực công tác cần xác định nội dung, nguồn thu thập, biện pháp, cách thức thu thập thông tin, tài liệu gắn với lĩnh vực công tác được phân công để phục vụ công tác nắm tình hình. Trong đó cần tập trung thu thập theo các nhóm: Quy định pháp lý; tình hình về tổ chức; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, nghiệp vụ công tác; tình hình thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, sai phạm có liên quan.

Ba là, thường xuyên thu thập thông tin, tài liệu về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Định kỳ 06 tháng, 01 năm phối hợp với các đơn vị chức năng thu thập thông tin, tài liệu phản ánh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, nghiệp vụ công tác và tình hình về khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, sai phạm liên quan đến cán bộ, chiến sĩ. Lập hồ sơ, hệ thống hoá thông tin, tài liệu thu thập về lĩnh vực được phân công phụ trách để phục vụ việc đề xuất thanh tra đột xuất, định hướng chương trình công tác thanh tra hằng năm.

Nguyễn Hùng Thắng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, tập trung kiểm soát quyền lực, thực hiện các nội dung được phân cấp, phân quyền

(Thanh tra) - Đó là giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra được đưa ra tại đề tài khoa học cấp bộ năm “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, được Hội đồng Khoa học nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Thái Hải

18:05 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm