Theo dõi Báo Thanh tra trên
Minh Hải
Thứ hai, 03/10/2022 - 09:49
(Thanh tra) - Pác Nặm (nghĩa là “đầu nguồn” con nước), nơi đây có Cổ Linh là xã khó khăn nhất của huyện, với 70% dân số là người Mông sinh sống. Cổ Linh một thời được mệnh danh là vùng đất có tình trạng tảo hôn phức tạp nhất của tỉnh Bắc Kạn, nhiều em mới 14 tuổi nhưng đã được cha mẹ chấp nhận phạt hành chính để cho đi lấy chồng.
Nâng cao nhận thức giới tính, nhận thức pháp luật đến với những gia đình trẻ trên địa bàn đang được Pác Nặm vào cuộc quyết liệt. Ảnh: Minh Hải
Để ngăn chặn hệ lụy này, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em; từ đó tạo ra sự chuyển đổi nhận thức cho người dân.
Tảo hôn diễn biến phức tạp
Cổ Linh từng là nơi được biết đến của tỉnh Bắc Kạn bởi số vụ tảo hôn luôn ở mức cao. Tình trạng trẻ 13, 14 tuổi bỏ học dở chừng để lập gia đình hàng năm vẫn diễn ra. Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ năm 2018 đến nay, xã Cổ Linh có tới hơn 20 trường hợp tảo hôn. Người trẻ nhất mới chỉ 14 tuổi, có trường hợp là cả vợ, chồng cùng chưa đủ tuổi. Với những trường hợp này, sau khi dùng các biện pháp tuyên truyền nhắc nhở không thành công thì xã cũng chỉ xử phạt hành chính. Nhiều gia đình cũng xác định chấp nhận nộp phạt để con cái họ được tổ chức đám cưới.
Vấn nạn tảo hôn ở Cổ Linh đều rơi vào những gia đình cũng như bản thân các em có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về hôn nhân, gia đình; đặc biệt, họ gần như không biết những việc mình đang làm là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em. Họ chưa ý thức được những hệ lụy khi trẻ kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng đến thế hệ tương lai khi người mẹ chưa đến tuổi trưởng thành.
Anh Vi Văn Khánh, cán bộ tư pháp xã Cổ Linh cho biết: "Mình vào cuộc căng thẳng, quyết liệt quá thì các cháu lại ăn lá ngón trên rừng tự tử, đã có trường hợp xảy ra rồi, may cấp cứu kịp thời. Các cháu các ứng dụng phần mềm trên điện thoại tự tìm hiểu, tự đi với nhau, có những trường hợp nhà trai mang sính lễ đến rồi mà vẫn không biết tên con rể với địa chỉ ở đâu".
Chủ tịch UBND xã Cổ Linh cho biết, vài năm trước, sau kỳ nghỉ Tết, đã có tới 5 cháu học sinh cấp 2 của xã bỏ học lập gia đình. Thậm chí có trường hợp cưới xong vẫn tiếp tục học hết cấp 2. Giải pháp tốt nhất được xác định vẫn là tuyên truyền để nâng cao ý thức cho các cháu.
Nỗ lực từ nhiều phía
Không chỉ ở Cổ Linh mà nhiều địa phương khác của tỉnh Bắc Kạn tình trạng tảo hôn dù có giảm so với trước nhưng vẫn diễn ra. Từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì phối hợp các đơn vị thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số với 11 mô hình điểm tại các địa phương, tập trung chủ yếu là đồng bào Mông, Dao như huyện Pác Nặm; các xã Bình Trung, Xuân Lạc huyện Chợ Đồn; xã Văn Vũ, Lượng Thượng huyện Na Rì và các xã Cốc Đán, Thượng Quan của huyện Ngân Sơn.
Các mô hình có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương. Nội dung chính là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tuyên truyền, phát tờ rơi, trình chiếu phim bằng tiếng Mông, Dao, tư vấn, can thiệp về pháp luật. Đặc biệt Tỉnh đoàn Bắc Kạn còn triển khai qua các hình thức sân khấu hóa tại trường học, các thôn bản và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình cho học sinh…
Lãnh đạo Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết, những năm qua, việc tham gia tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được xem là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đoàn và thanh thiếu nhi trên địa bàn. Đoàn thể đã áp dụng nhiều hơn hình thức sân khấu hóa, khéo léo biên tập lại các nội dung quy định pháp luật lồng ghép các tiểu phẩm tuyên truyền để người xem dể hiểu, dễ tiếp thu hơn. Một số cơ sở đã tuyên truyền bằng tiếng đồng bào như Mông, Dao; địa bàn được chọn là những nơi vùng cao còn khó khăn và đối tượng chủ yếu tập trung chính vào các em thanh, thiếu nhi - lứa tuổi dễ trở thành nạn nhân của tảo hôn.
Để góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, các xã triển khai xây dựng và duy trì thực hiện mô hình điểm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Bắc Kạn”. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện 11 mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó, có 2 mô hình được thực hiện từ năm 2016 tại xã Bộc Bố và Trường Tiểu học và THCS Giáo Hiệu (Pác Nặm) và 9 mô hình thực hiện từ năm 2018 tại các xã: Công Bằng, Bằng Thành, Cổ Linh, Cao Tân (huyện Pác Nặm); Bình Trung (huyện Chợ Đồn); Cốc Đán, Thượng Quan (huyện Ngân Sơn); Vũ Loan (nay là xã Văn Vũ), Lương Thượng (huyện Na Rì).
Đề án cung cấp các sản phẩm, thông tin đến các địa phương thực hiện mô hình một lượng lớn tờ rơi, tờ gấp, áp phích, băng đĩa hình bằng tiếng dân tộc Mông, Dao, nội dung tuyên truyền về hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, thực hiện các hoạt động tư vấn, can thiệp tại các mô hình điểm; phối hợp tư vấn tại chỗ cho người trong độ tuổi thành niên. Đồng thời, tổ chức hàng chục lớp tập huấn kiến thức, pháp luật liên quan cho các trưởng thôn, người có uy tín, đại diện các tổ chức đoàn thể.
Với đặc thù là huyện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất của tỉnh nên Pác Nặm, trong đó xã Cổ Linh được ưu tiên lựa chọn để làm điểm tuyên truyền. Theo đánh giá của các cấp chính quyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số là do nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và gia đình còn hạn chế, việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện pháp luật còn chưa sâu rộng, bất cập và thiếu hiệu quả. Do đó, tại hai xã Cổ Linh và Bằng Thành, Ban Dân tộc tỉnh và Tỉnh Đoàn Bắc Kạn triển khai sân khấu hóa tuyên truyền mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” rồi nhân rộng ra toàn huyện.
Ngoài việc tuyên truyền, chính quyền địa phương cũng đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Theo đó, trong tổng số vụ tảo hôn được ghi nhận từ đầu năm đến nay, phần lớn vụ việc đã được các địa phương xử phạt vi phạm. Nhiều gia đình cũng đã được nâng cao nhận thức, không còn cố tình nộp phạt để con mình được tổ chức hôn lễ nữa.
Chị Vi Thị Linh - một người dân của xã Cổ Linh chia sẻ: Con mình mới qua tuổi 14, mấy hôm trước con bảo đã có bạn trai và muốn kết hôn nhưng mình không đồng ý. Con còn nhỏ lắm, sức khỏe không tốt nữa nên gánh vác gia đình rất vất vả. Mình đã vận động con tiếp tục học rồi kết hôn sau. Và con đã vui vẻ đồng ý rồi.
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Pác Nặm đã có nhiều biến chuyển. Bằng việc nâng cao nhận thức, đưa luật vào thực tiễn, chắc chắn trong thời gian tới tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn sẽ giảm dần. Khi đời sống kinh tế tốt lên, người dân được nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật thì những hủ tục lạc hậu cũng sẽ dần lùi vào quá khứ.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội thảo Hoàn thiện kết quả nghiên cứu “Bảo vệ bí mật Nhà nước và bí mật công tác của ngành Thanh tra – Thực trạng và giải pháp”, do TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục 4, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm.
Thái Hải
12:16 12/12/2024(Thanh tra) - Như đã thành thông lệ, sau khi thực hiện thí điểm từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của UBND các tỉnh, thành phố hàng năm (PACA).
Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024T.Thanh
18:24 10/12/2024Trần Quý
13:49 10/12/2024Trần Quý
11:39 10/12/2024N. Phê
N. Phó
Trung Hà
CB
Đông Hà
Đông Hà
Hoàng Nam
Kim Thành
Cao Sơn
Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà