Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cấm cán bộ can thiệp trái pháp luật, tác động làm sai lệch kết quả thanh tra

Phương Anh

Thứ năm, 20/07/2023 - 10:14

(Thanh tra) - Ngày 18/7, Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Tiến Tùng đã ký quyết định ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ LĐTB&XH.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Thanh tra Bộ LĐTB&XH. Ảnh: Thanh tra Bộ LĐTB&XH

12 hành vi bị nghiêm cấm

Quy chế này quy định về tổ chức, hoạt động đoàn thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ LĐTB&XH; trách nhiệm của lãnh đạo Thanh tra Bộ, Trưởng phòng, Trưởng vùng chủ trì cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức, hoạt động thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị có công chức tham gia đoàn thanh tra; việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với đoàn thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, Quy chế này áp dụng đối với công chức của Thanh tra Bộ LĐTB&XH và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Tại Quy chế này, Thanh tra Bộ LĐTB&XH quy định 12 hành vi bị nghiêm cấm, gồm:

Cấm đề xuất, tham mưu, quyết định cử người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia đoàn thanh tra.

Cấm tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến chuẩn bị thanh tra, nội dung, kết quả làm việc của đoàn thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên và đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, kết luận thanh tra chưa được công khai; ý kiến chỉ đạo của Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra được phân công phụ trách về cuộc thanh tra cho các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.

Cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.

Cấm thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng phạm vi, đối tượng, thời gian, thời kỳ thanh tra; bỏ sót, bỏ qua nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kiến nghị kết luận thanh tra; báo cáo, tham mưu, đề xuất kết luận sai sự thật, không đầy đủ không đúng kết quả thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật; không kiến nghị xử lý đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý, không kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra; sử dụng dự thảo kết luận thanh tra và các tài liệu liên quan để đe doạ đối tượng thanh tra.

Cản trở, gây khó khăn, can thiệp trái pháp luật đối với việc chỉ đạo, điều hành, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; biết mà không báo cáo, phản ánh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực của Trưởng đoàn thanh tra, Phó trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra.

Tự ý tiếp xúc với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra khi chưa được giao nhiệm vụ.

Làm mất, hư hỏng, tiêu huỷ hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra, sử dụng trái quy định hoặc biển thủ hồ sơ, tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc thanh tra.

Giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch, ăn uống với đối tượng thanh tra trong thời gian tiến hành thanh tra để trục lợi.

Sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc trong thời gian thanh tra; có thái độ hách dịch, gây hiền hà, sách nhiễu, phát ngôn thiếu chuẩn mực khi làm việc với đối tượng thanh tra.

Sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vào việc riêng.

Cấm vi phạm quy định những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra; vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra; vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra và hành vi khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Xử lý vi phạm đối với các cuộc thanh tra chậm hoặc không đảm bảo chất lượng

Về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, Quy chế nêu rõ trình tự ban hành quyết định thanh tra,  phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra. Theo đó, căn cứ vào kế hoạch thanh tra hàng năm hoặc nhiệm vụ thanh tra được giao, Trưởng phòng, Trưởng vùng chủ trì cuộc thanh tra xin ý kiến lãnh đạo Thanh tra được phân công chỉ đạo cuộc thanh tra về số lượng người tham gia đoàn thanh tra và đề xuất Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra.

Trường hợp cuộc thanh tra cần trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan liên quan ngoài Thanh tra Bộ tham gia đoàn thì Trưởng phòng, Trưởng vùng chủ trì báo cáo lãnh đạo Thanh tra được phân công chỉ đạo cuộc thanh tra, xem xét, quy định.

Trưởng phòng, Trưởng vùng chủ trì chỉ đạo công chức dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra (nếu không phải là Trưởng phòng, Trưởng vùng) thu thập thông tin, tài liệu có liên quan, xây dựng dự thảo quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra theo mẫu quy định, đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, lịch làm việc dự kiến, dự toán chi tiết công tác chi phí để báo cáo xin ý kiến phê duyệt của Chánh Thanh tra.

Công chức dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra lập phiếu trình kèm theo dự thảo quyết định thanh tra, dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra, đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, dự toán chi tiết công tác chi phí được Chánh Thanh tra phê duyệt trình Trưởng phòng, Trưởng vùng chủ trì duyệt trước khi chuyển Phòng Tổng hợp và giám sát thanh tra.

Chậm nhất 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cán bộ được giao thẩm định văn bản của Phòng Tổng hợp và giám sát thanh tra phải thẩm định xong thể thức văn bản và dự thảo quyết định, kế hoạch giám sát hoạt động đoàn thanh tra; gửi hồ sơ cho công chức dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra trình lãnh đạo Thanh tra được phân công phụ trách xem xét, duyệt ký.

Theo Quy chế, trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày người được ban hành quyết định thanh tra giao, Trưởng đoàn thanh tra phải hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra, lập phiếu trình kết luận thanh tra

Đối với dự thảo kết luận có nội dung phức tạp, nhạy cảm, vụ việc lớn liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Bộ trưởng, Trưởng đoàn thanh tra tham mưu Chánh thanh tra tờ trình kèm theo dự thảo kết luận thanh tra để báo cáo Bộ trưởng.

Về giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, Quy chế nêu rõ, tất cả các đoàn thanh tra được giám sát bởi tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát. Phương thức giám sát hoạt động đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật và thu thập thông tin bằng hình thức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân thanh tra bằng phiếu lấy ý kiến hoạt động đoàn thanh tra…

“Tất cả các dự thảo kết luận thanh tra phải được thẩm định bởi Tổ thẩm định hoặc công chức được giao thực hiện việc thẩm định, Quy chế quy định.

Quy chế của Bộ LĐTB&XH cũng quy định việc xử lý vi phạm đối với cuộc thanh tra không đảm bảo chất lượng về nội dung, có thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra. Tổ giám sát/công chức được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện nhiệm giám sát không đúng kế hoạch đã được phê duyệt; vi phạm chế độ báo cáo kết quả giám sát theo yêu cầu thì tuỳ tính chất, mức độ và số lượng cuộc giám sát có vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm….

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm