Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

51 địa phương không xác minh bất kỳ trường hợp kê khai tài sản nào

Thứ sáu, 01/05/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Nội dung xác minh tài sản thu nhập đạt được rất kém và không hiệu quả. Chỉ có 12/63 địa phương xác minh, trong đó 2 địa phương không phát hiện sai phạm. Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018) do Thanh tra Chính phủ vừa công bố nhấn mạnh như vậy.

Ảnh minh họa: Internet

Một trong những điểm mới PACA 2017, 2018 là tập trung vào việc đánh giá đối với các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, mang lại chuyển biến tích cực trong PCTN; việc công khai, minh bạch được tập trung vào những lĩnh vực có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội ở địa phương. Cụ thể là thực hiện công khai minh bạch (9 điểm); kê khai tài sản thu nhập (5 điểm); cải cách hành chính (CCHC) (3 điểm); chuyển đổi vị trí công tác (2 điểm); xây dựng định mức tiêu chuẩn (2 điểm); xử lý kỷ luật người đứng đầu (4 điểm) và kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (5 điểm).

Qua kết quả chấm điểm cho thấy, điểm trung bình của nội dung này là 18,2411/30 điểm, tương đương 60,8% yêu cầu; giảm so với năm 2016 và 2017 trung bình 5,08%. Điểm cao nhất toàn quốc (Lai Châu cũng là địa phương có điểm số về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa ổn định và tăng dần từ năm 2016 đến nay) là  27,29, đạt 91% yêu cầu, điểm thấp nhất (Ninh Thuận cũng là tỉnh có kết quả trung bình chung toàn quốc thấp nhất trên toàn quốc) là 6,4 điểm, đạt 21,336% yêu cầu.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật. Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật.

PACA 2018 dành 9 điểm cho nội dung này, trong đó tập trung vào đánh giá việc công khai minh bạch trên 6 lĩnh vực  như: (1) Công tác cán bộ, (2) tài chính và ngân sách Nhà nước, (3) đất đai, tài nguyên, (4) đầu tư, mua sắm công, (5) giáo dục và (6) y tế.

Qua kiểm tra tại 8.619 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện công khai minh bạch, đã phát hiện 91 đơn vị có vi phạm. Tài liệu đánh giá cho thấy vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch như: Kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức; một số thủ tục hành chính giải quyết cho người dân chưa niêm yết, công khai kịp thời tại cơ quan, đơn vị…

Theo Luật PCTN và Luật Tiếp cận thông tin có 5 hình thức công khai bao gồm: Công bố tại cuộc họp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan Nhà nước.

PACA 2018 khuyến khích UBND cấp tỉnh đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh các nội dung về chính sách, pháp luật thuộc 19 lĩnh vực phải công khai theo quy định tại điều Mục 1 Chương II về việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị.

Theo yêu cầu của PACA 2018, để đạt được điểm tối đa ở một lĩnh vực đối với công khai từng lĩnh vực cụ thể thì tất cả các đơn vị trực thuộc UBND đó phải công khai đầy đủ các nội dung thành phần. Đơn vị công khai đầy đủ phải là đơn vị công khai đủ các nội dung yêu cầu. Cụ thể như sau:

Đối với công tác tổ chức, cán bộ thì  tất cả UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh phải công khai đầy đủ các nội dung sau: (1) Công khai phân bổ chỉ tiêu biên chế; (2) công khai thông tin tuyển dụng hàng năm của cơ quan, đơn vị; (3) công khai quy hoạch cán bộ; (4) công khai thông tin luân chuyển, điều động; (5) công khai việc bầu, bổ nhiệm cán bộ công chức viên chức và (6) kết quả kiểm tra, thanh tra, rà soát năm 2018 về việc bổ nhiệm cán bộ.

Đối với lĩnh vực tài chính ngân sách cấp tỉnh thì UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh phải công khai đầy đủ các nội dung sau: (1) Số liệu dự toán ngân sách năm 2018, quyết toán ngân sách 2017 (kể cả ngân sách bổ sung) được công khai theo quy định; (2) số liệu dự toán kinh phí năm 2017, quyết toán năm 2017 của các đơn vị dự toán và (3) kết quả  thanh tra, kiểm toán và kết quả thực hiện các kiến nghị của  thanh tra, kiểm toán đối với đơn vị (nếu có).

Đối với lĩnh vực đất đai, tài nguyên thì UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh phải công khai đầy đủ các nội dung sau: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoáng sản trên địa bàn; (2) kế hoạch, kết quả giao đất, cho thuê đất; (3) kế hoạch, kết quả thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (4) kế hoạch, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên khoáng sản và (5) các khoản thu ngân sách từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Đối với lĩnh vực mua sắm công thì UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh phải công khai đầy đủ các nội dung sau: (1) kế hoạch, chương trình đầu tư, mua sắm công; (2) danh mục dự án đầu tư, mua sắm công; (3) việc thực hiện đầu tư, mua sắm công và (4) báo cáo kết quả thực hiện, kết quả đầu tư.

Đối với lĩnh vực giáo dục thì các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh, sở giáo dục và đào tạo phải công khai, bao gồm: (1) Việc công khai điều kiện tuyển sinh, điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ; (2) công khai các khoản thu, mức thu, cơ sở vật chất, tài chính; (3) công khai thực hiện cam kết chất lượng đào tạo.

Đối với lĩnh vực y tế thì PACA đưa ra đánh giá việc công khai, minh bạch về lĩnh vực y tế theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện về: (1) Trình tự, thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, dược; (2) danh mục giấy phép hành nghề y, dược tư nhân trên phạm vi địa phương; (3) công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Điểm trung bình toàn quốc ở nội dung công khai minh bạch của PACA 2018 là 6,9/9 điểm đạt 76,67% yêu cầu. Có 24 tỉnh đạt điểm tuyệt đối (9/9) ở nội dung này, có 5 tỉnh (Bà Rịa -Vũng Tàu (0/9); Đồng Nai (0,5/9); Cần Thơ, Ninh Thuận, Long An, Quảng Trị (1/9) và Sóc Trăng (2,5/9)) thực hiện việc công khai minh bạch kém, những tỉnh này hầu như không thực hiện việc công khai minh bạch trong năm 2018 trong công tác quản lý Nhà nước. Điểm số này cũng được đánh giá là khả quan hơn so với nội dung công khai minh bạch của chỉ số hiệu quả quản trị công cấp tỉnh PAPI 2018 và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018.

Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ được đánh giá là kém nhất, chỉ đạt 1,046/1,5 (69,73%) so với yêu cầu. Có 11 tỉnh đạt 0/1,5 điểm về công khai, minh bạch về công tác cán bộ. Một số địa phương thực hiện công khai nhưng còn mang tính hình thức, còn khó tiếp cận các văn bản có liên quan đến công tác cán bộ khi có nhu cầu thi tuyển, những người có liên quan chỉ biết khi "công bố quyết định” đến cán bộ. Những đánh giá này tương đồng với nội dung công khai liên quan đến công khai trong công tác nhân sự do PAPI đánh giá và điểm số này luôn đạt mức thấp trong thời gian qua.

Nội dung công khai trong lĩnh vực tài chính, ngân sách được đánh giá cao nhất đạt 1,259/1,5 điểm, đạt 83,9 % so với yêu cầu. Các nội dung về dự toán, quyết toán ngân sách khá đầy đủ.

Năm 2018, công tác CCHC tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Trong năm 2018 có 58/63 tỉnh, thành phố đang cung cấp tổng số 13.830 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tỉ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 81,67% đối với mức độ 3; 22,63% đối với mức độ 4. Quảng Ninh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp về chỉ số CCHC khi đạt 2,67/3 (đã quy đổi) khi đạt 89% so với yêu cầu. Đak Nông (71%), Kon Tum (69,53%) là hai tỉnh có điểm số CCHC thấp nhất.

Giá trị trung bình chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, thành phố đạt 77,33, thấp hơn 1,3% so với năm 2017 và 10,4% so với năm 2016. Sự biến động giảm không nhiều, khoảng cách giữa các tỉnh đã gần hơn cho thấy có những chuyển biến tốt, đáp ứng được yêu cầu.

Theo quy định của pháp luật, có 21 lĩnh vực, ngành, nghề phải chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng. UBND cấp tỉnh đã ban hành quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác của các sở, ngành, quận, huyện và triển khai thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện hàng năm dần vào nề nếp.

Đa số các địa phương đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 29.674 cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương không ban hành kế hoạch chuyển đổi cũng như thực hiện việc chuyển đổi trong năm 2018. Nhiều địa phương có xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhưng lại không thực hiện việc chuyển đổi hoặc chuyển đổi rất thấp như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hà Nam, Long An, Quảng Nam, Quảng Trị. Một số địa phương không có kế hoạch chuyển đổi tổng thể nhưng vẫn thực hiện chuyển đổi như Long An, Hưng Yên, Quảng Nam. Một số địa phương vẫn có cách hiểu nhầm lẫn giữa luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác.

Điểm bình quân cả nước ở nội dung này là 1,481/2, đạt 74,05% so với yêu cầu, thấp hơn so với năm 2017 là 4%. Trong đó có 14 tỉnh đạt điểm tối đa (2) trong công tác chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Chuyển đổi vị trí công tác chưa phải là biện pháp hữu hiệu trong PCTN mà đôi khi cách thực hiện chưa đồng bộ, kịp thời tạo ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức cán bộ. Việc thực hiện các biện pháp về chuyển đổi vị trí công tác thì các tỉnh phía Bắc và phía Nam làm tốt hơn khu vực các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Việc kê khai, công khai, xác minh tài sản minh bạch đã dần đi vào nề nếp ở các địa phương trên cả nước. Các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Điểm số trung bình toàn quốc là 1,78/5, đạt 35,6% so với yêu cầu. Chủ yếu điểm số đạt được ở nội dung kê khai và công khai tài sản thu nhập đạt trên 98% so với yêu cầu. Điểm số này phù hợp với Báo cáo công tác PCTN 2018 số 481/BC-CP của Chính phủ trước Quốc hội với số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 1.136.902 người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai; Số bản kê khai đã công khai 1.134.685 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai; có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Nội dung xác minh tài sản thu nhập đạt được rất kém và không hiệu quả. Có 51 địa phương trên cả nước KHÔNG thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Có 12/63 địa phương thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập, trong đó có 2 địa phương không phát hiện sai phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập, 10/12 địa phương đã phát hiện đối tượng kê khai tài sản có sai phạm và đã xử lý đối với các trường hợp này. Nếu địa phương chủ động trong công tác xác minh tài sản thu nhập thì việc phát hiện những sai phạm trong minh bạch tài sản thu nhập sẽ tăng hiệu quả của biện pháp này trong phòng ngừa tham nhũng.

Xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn

Thực hiện yêu cầu từ Chính phủ, UBND các tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về định mức tiêu chuẩn có liên quan đến các lĩnh vực như tiết kiệm, chống lãng phí, bồi dưỡng cán bộ, chi tiêu ngân sách thường xuyên, việc quản lý sử dụng tài sản công tại cơ quan, đặc biệt là việc khoán chi sử dụng xe công. UBND các tỉnh cũng đã chỉ đạo sở tài chính hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện công khai các chế độ định mức tiêu chuẩn liên quan đến công tác quản lý tài chính, ngân sách, tài sản; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm các quy định về định mức tiêu chuẩn nhằm phòng ngừa sai phạm tiêu cực trong lĩnh vực này.

Theo kết quả đánh giá thì điểm trung bình toàn quốc đạt 1,482/2 điểm, đạt 74,1% so với yêu cầu.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng các địa phương chưa chủ động ban hành văn bản quy định và hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Sóc Trăng. Một số lý giải cho việc không thực hiện việc xây dựng, sửa đổi các tiêu chuẩn định mức tiêu chuẩn nhiều địa phương cho rằng trong năm 2018 không có chế độ định mức nào cần phải sửa đổi hay kiến nghị sửa đổi theo thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, Đồng Tháp là một trong những địa phương đạt điểm số PACA cao và các chỉ số liên quan đến CCHC được cải thiện trong các năm 2016 - 2018, đã rất chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định về quản lý tài sản công.

Xử lý kỷ luật người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị

Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017; năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016).

Điểm trung bình toàn quốc là 2,6530/4 điểm, đạt 67,075% so với yêu cầu; có 16/63 địa phương không có người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị  khi để xảy ra tham nhũng bị kỷ luật; 46 địa phương đã thực hiện xử lý kỷ luật người đứng đầu trong đó có 34/63 địa phương đã xử lý kỷ luật 100% người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng đều bị bị kỷ luật với các hình thức khác nhau.

Điểm trung bình của nội dung này trên toàn quốc là 1,747/5, đạt 34,94% so với yêu cầu. Có 28 địa phương không để xảy ra vi phạm về thực hiện các biện pháp phòng ngừa; có 9 địa phương báo cáo tất cả các UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh đều vi phạm về định mức tiêu chuẩn; 16 địa phương đã xử lý nghiêm đối với người đứng đầu, cán bộ, công chức viên chức đã để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa; 2 địa phương phát hiện ra sai phạm nhưng không xử lý vi phạm là Bình Dương và Kiên Giang.

Yến Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm