Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao “báo chí chỉ được dự 5 phút” phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Thứ ba, 11/07/2017 - 13:07

(Thanh tra) - Trưa 11/7, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, từ nay các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội “báo chí chỉ được dự 5 phút đầu” mỗi buổi làm việc và cho biết lý do, để “các đồng chí Thường vụ được trao đổi phát biểu hết các vấn đề”.

Từ nay, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu mỗi buổi làm việc để ghi hình

Sáng nay (11/7), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 12.

Theo chương trình dự kiến được đăng trên Cổng Thông tin Quốc hội (đã được Chủ tịch Quốc hội điều chỉnh), nửa đầu buổi sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng. Nội dung này được thông báo họp kín, báo chí không tham dự.

Nội dung tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kỳ họp thứ 3 của Quốc hội và cho ý kiến bước đầu về nội dung chương trình kỳ họp thứ 4. Nội dung này không có thông báo họp kín, tuy nhiên, các phóng viên dự họp dưới trung tâm báo chí đều không được nghe, theo dõi qua màn hình.

Cán bộ của Trung tâm Thông tin, Văn phòng Chính phủ lúc này cho biết, “sáng nay lãnh đạo Văn phòng Quốc hội có chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên”.

Tất cả các phóng viên theo dõi Quốc hội, theo dõi các cuộc họp hàng tháng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều rất… ngỡ ngàng.

Trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận từ nay, báo chí chỉ được dự 5 phút đầu mỗi ngày làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và có thông cáo vào cuối buổi làm việc.

Đề cập lý do báo chí không được nghe thảo luận như các phiên họp như trước đây, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc là để các đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật “vô tình” được đề cập.

“Nhiều khi anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải”, Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ.

Ông Phúc cho biết, thông cáo báo chí sẽ thể hiện hết được nội dung làm việc trong ngày, tức một ngày có 2 bản thông cáo báo chí về hai buổi làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

“Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ thông cáo buổi làm việc sáng nay. Chiều nay sẽ có thông cáo về các nội dung, rồi có kết luận của Thường vụ Quốc hội nữa. Nội dung làm rất kỹ và đầy đủ”, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

Trước đó, còn nhớ trong rất nhiều cuộc họp báo của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đều ghi nhận sự đóng góp của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội.

Ngay trong cuộc gặp báo chí khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn nhấn mạnh, Quốc hội ghi nhận và biểu dương những đóng góp của đội ngũ phóng viên, nhà báo đã đồng hành cùng Quốc hội trong thời gian qua.

Chủ tịch tin tưởng, rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, báo chí sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ động và tích cực giữ cầu nối giữa Quốc hội với các tầng lớp nhân dân, phản ánh trung thực, kịp thời các ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến với Quốc hội; thông tin kịp thời, chính xác những hoạt động của Quốc hội đến với cử tri cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, bởi "cung cấp thông tin kịp thời và đúng đắn cho báo chí thì báo chí mới có góc nhìn đầy đủ, không nên mập mờ và tránh né. Gặp báo chí mà khoát tay từ chối thì không hay, lỡ phóng viên chụp ảnh đưa lên báo thì mất hình ảnh của đại biểu".

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm