Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trưởng ban Dân nguyện: Chỉ có 28 tỉnh, 3 bộ công bố lịch tiếp công dân

Thứ năm, 16/11/2017 - 09:39

(Thanh tra) - Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, truy cập vào Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan thấy chỉ có 28/63 tỉnh, TP và 3/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố lịch tiếp công dân…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: TN

Sáng 16/11, ngay sau khi nghe Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Quốc hội bắt đầu vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Còn nợ chưa giải quyết 570 kiến nghị cử tri

Qua giám sát cho thấy, các Bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri; có tới 21/24 Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ đạo và trực tiếp ký các văn bản trả lời gửi tới cử tri, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội....

“Số lượng và chất lượng các kiến nghị được giải quyết có sự chuyển biến khá rõ rệt, có vấn đề cử tri nêu rất khó giải quyết, nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực để tìm giải pháp, tạo đột phá đáp ứng kỳ vọng của cử tri”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát, vẫn còn 570 kiến nghị cử tri các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, TP Hà Nội... chưa được giải quyết. Trong đó, Bộ còn nhiều kiến nghị chưa giải quyết nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường (80), Bộ Y tế (60)…

Nội dung các kiến nghị chưa được giải quyết thuộc các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả; ô nhiễm môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản; rác thải ở nông thôn; tai nạn giao thông tại khu vực đường tránh tàu; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc chữa bệnh; xây dựng trụ sở quá to, gây lãng phí…

“Cử tri các tỉnh đang rất trông chờ Chính phủ có giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm các kiến nghị nêu trên”, bà Hải nhấn mạnh.

Thêm vào đó, còn một số kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị.

Như cử tri Nghệ An, Vĩnh Phúc yêu cầu xử lý các trường hợp lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập và tình trạng dạy thêm, học thêm. Bộ Giáo dục Đào tạo lại trả lời “Bộ đã chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi chưa đúng quy định, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra; tăng cường quản lý giáo viên...”.

Người dân phải “lót tay” giải quyết công việc còn phổ biến

Việc giải quyết kiến nghị cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập. Cử tri nhiều tỉnh, TP như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh… cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn.

Số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều.

Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp.

Cử tri các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi kiến nghị cần công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT.

Tuy nhiên, công tác giải quyết kiến nghị về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế.

Trưởng ban Dân nguyện cho hay, thực tế cho thấy, việc thực hiện công khai, minh bạch còn hình thức, vi phạm còn nhiều, nhất là minh bạch trong công tác cán bộ, tài chính, đầu tư thực hiện dự án, lập danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, kế hoạch sử dụng đất,... nhưng rất ít cơ quan bị nhắc nhở, xử lý.

Ví dụ, theo quy định tại Điều 24 Luật Tiếp công dân thì lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan.

“Truy cập vào Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan này cho thấy, chỉ có 28/63 tỉnh công bố lịch tiếp công dân; 34/63 tỉnh không công bố; 1 tỉnh không truy cập được; chỉ có 3/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố; 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ không công bố”, bà Hải cho hay.

Có hiện tượng cán bộ làm công tác tiếp dân không đủ trình độ

Các kiến nghị cử tri cũng phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả.

Còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm

Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng chưa thường xuyên (tính đến năm 2017, có tới 45% công chức làm công tác tiếp công dân chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ).

Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trên.

"Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật", bà Nguyễn Thanh Hải nêu.

Các Bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính; tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc….

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm