Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng yêu cầu phải tái cơ cấu nội bộ ngành Tư pháp

Thứ sáu, 23/12/2016 - 15:56

(Thanh tra) - Sáng 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp, Bộ đầu tiên tổ chức tổng kết công tác năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, đánh giá cao kết quả ngành tư pháp đạt được trong năm 2016, Thủ tướng cho rằng, Bộ Tư pháp đã quan tâm nhiều đến xây dựng thể chế, một nhiệm vụ quan trọng nhất, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển. Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ nghị định, văn bản hướng dẫn những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Trong kết quả đó, có vai trò rất lớn của Bộ Tư pháp.

Việc phản ứng chính sách, pháp luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất đã được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện kịp thời hơn. Những vấn đề gì trái quy định, gây cản trở thì đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” tương đối kịp thời.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác xây dựng pháp luật có tiến bộ nhưng nhìn chung, pháp luật còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.

Việc lập chương trình xây dựng pháp luật chưa hiệu quả cao, có tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút. Khi đề xuất làm luật, chưa xác định được nội hàm văn bản, gây khó khăn cho quá trình soạn thảo.

Nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về tình trạng để Quốc hội phải “bắc nước chờ gạo, nước đã sôi mà vẫn chưa thấy mang gạo tới”, Thủ tướng nhấn mạnh làm luật rất khó, nên cần cố gắng không được rơi vào tình trạng bị động.

“Điều đáng buồn là Bộ luật Hình sự phải tạm dừng hiệu lực do có gần 100 sai sót phải sửa đổi. Đây là điều chưa có tiền lệ. Đề nghị các đồng chí thẳng thắn trao đổi để qua đó, rút kinh nghiệm chung, tìm ra bài học để khắc phục, đặc biệt là rà soát để sớm báo cáo Thường vụ Quốc hội, với tư cách các đồng chí hiện nay là trưởng ban soạn thảo”, Thủ tướng nói.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhận thức được đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh. Phải tổ chức thực hiện tốt theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ 12 đã nêu: Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước.

Phải có quyết tâm mạnh mẽ chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, luật pháp, chính sách phải phản ứng kịp thời hơn với mọi thay đổi, biến động của đời sống xã hội, chủ động và tập trung hơn nữa vào xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn.

Hệ thống cán bộ tư pháp phải làm sao thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, đồng nghĩa với việc không được cản trở phát triển. Thủ tướng mong ngành tư pháp, với vai trò “gác cửa”, thẩm tra, cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, một trong 3 điểm nghẽn mà Đảng đã chỉ ra (cùng với điểm nghẽn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng).

Do đó, Bộ Tư pháp cần chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đổi mới đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, phải tập trung rà soát, đề xuất, hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, minh bạch, khả thi, giảm thủ tục hành chính, các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, phải là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của thể chế, chương trình xây dựng pháp luật. Khắc phục cho được tình trạng Quốc hội lưu ý là “nay rút, mai lùi”. Làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.

“Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó. Chính bản thân Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm và làm gương về những việc này”, Thủ tướng nêu rõ. “Tôi nói nôm na là không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà để phục vụ lợi ích riêng của ngành mình hay của một nhóm người nào đó”.

Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ Tư pháp cần tham mưu, thẩm định thế nào để khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai đều phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực đó, kể cả Thủ tướng.

Bộ Tư pháp và ngành tư pháp các cấp cần làm tốt hơn nhiệm vụ theo dõi, thi hành pháp luật, làm tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp để khắc phục tình trạng nhờn luật trong chính bộ máy Nhà nước và trong toàn xã hội; chủ động tham mưu về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong chỉ đạo điều hành hàng ngày.

“Mỗi một vấn đề, khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đều có nguyên nhân, cũng có thể do thể chế, do thực thi, nhận thức, cách làm của cán bộ. Các đồng chí cần theo dõi sát tình hình đất nước, cảm nhận được hơi thở cuộc sống, có ngay các tham mưu, đề xuất để chúng ta có phản ứng chính sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu Chính phủ đặt ra là quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.

Bộ Tư pháp cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch, kiên quyết chống nhũng nhiễu tiêu cực. Quản lý, điều hành mạnh mẽ hơn về công tác thi hành án dân sự. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong đội ngũ chấp hành viên.

Cần làm tốt chức năng thẩm định các điều ước quốc tế và tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp các khía cạnh pháp lý để hạn chế rủi ro trong thương mại đầu tư quốc tế. Cả hệ thống tư pháp phải chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng tránh, nếu để xảy ra thì phải giải quyết tốt nhất các tranh chấp quốc tế, khắc phục ngay tình trạng cứ tranh chấp quốc tế là chúng ta thua trong hầu hết các vụ kiện.

Trong thời đại Internet, Facebook, Zalo… Thủ tướng mong muốn ngành tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

 “Tôi xin đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Thanh Long là làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành tư pháp mạnh lên, đúng với vị trí, vai trò nhiệm vụ được giao trong bối cảnh chúng ta thực sự chú trọng công tác xây dựng, thực thi thể chế, Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và chính bản thân Chính phủ cũng nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cả nước phát huy được hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm”, Thủ tướng bày tỏ và cho biết ông cảm thấy lo lắng khi ở một số cơ quan, bộ phận pháp chế không được coi trọng và quan tâm đúng mức.

Thủ tướng yêu cầu phải tái cơ cấu nội bộ ngành tư pháp, thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương 4. Các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh trong tổng biên chế được giao, trong đó có ngành tư pháp, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

N.H

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm