Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng yêu cầu không để tín dụng “chảy” vào một số đại gia

Thứ ba, 18/07/2017 - 11:22

(Thanh tra) - Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần quyết tâm tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất, có giải pháp huy động, cho vay nhưng không nên để tín dụng “chảy” vào một số đại gia lớn mà phải “chảy” vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Sáng 18/7, Tổ Công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng kiểm ra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước 477 nhiệm vụ. Đến nay đã hoàn thành 397 nhiệm vụ, trong đó có 395 nhiệm vụ hoàn thành trong hạn, 38 nhiệm hoàn thành quá hạn. Còn 80 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành đã quá hạn.

Giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%

Theo ông Mai Tiến Dũng, điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm được đánh giá có sự chủ động, linh hoạt, thành công thể hiện ở mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh; kiểm soát lạm phát và góp phần ổn định vĩ mô.

Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu 6 vấn đề, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tập trung thực hiện trong nửa cuối năm 2017.

Đầu tiên là, tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay. Đây là vấn đề quan trọng. Mục tiêu năm 2017, là tăng trưởng tín dụng từ 18 - 20%. Vậy làm thế nào để có giải pháp huy động, nhưng cũng phải cho vay..

“Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng đã đề cập là tín dụng không nên chảy vào một số đại gia lớn, mà dòng tiền phải chảy vào DN khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác là đầu tư sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN”, Tổ trưởng Tổ Công tác nói.

Năm 2016, có 110.000 DN thành lập mới, 6 tháng đầu năm 2017 có thêm khoảng 60.000 DN lập mới. Nhưng trong năm 2016 cũng có 93.000 DN khó khăn, ngừng hoạt động, đóng cửa...  Theo Bộ trưởng đây là vấn đề “rất căng”.

Trong nghị quyết của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%.

Ông Dũng tính toán, dư nợ tín dụng cả nước hiện trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN đã dành được 50.000 tỷ đồng, nếu phương thức đầu tư 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng. Hay nợ công hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm 1% thì tiết kiệm từ ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng, cũng là khoản tốt tạo điều kiện bù đắp các khoản đầu tư phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng phấn đấu minh bạch tài chính, thanh khoản, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh.

Xử lý nợ xấu, huy động đô la trong dân

Tiếp đó là xử lý nợ xấu. Theo ông Dũng, muốn hạ lãi suất thì phải xử lý nợ xấu và Quốc hội đã thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khi tổ chức thực hiện, đảm bảo xử lý được nợ theo đúng tinh thần của nghị quyết như hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong thu bán tài sản đảm bảo, bán nợ xấu...

“Không xử lý nợ xấu không thể tạo sự lành mạnh, an toàn hệ thống và hạ lãi suất. Chúng ta hiện vẫn phải dùng kỹ thuật, biện pháp khoanh nợ, đảo nợ tại các ngân hàng, song thực chất vẫn phải nuôi khoản nợ đó”, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý.

Vấn đề thứ 3, Thủ tướng nhắc lại 3 lần là Ngân hàng sớm trình chủ trương huy động nguồn lực trong dân.

“Trong dân chúng ta nguồn lực rất lớn, làm thế nào huy động được nguồn lực đô la đang nằm trong dân. Thay vì gửi lãi suất đô la 0% thì có chính sách huy động nguồn lực này để hoà vào huy động khác để phục vụ đầu tư”, Bộ trưởng truyền đạt ý kiến Thủ tướng, đó là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước có chủ trương chống “đô la hoá” nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát được thì cần huy động. “Chúng ta vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao khoảng 4,8%, trong khi nguồn lực đô la trong dân có, nên cần nghiên cứu phương án huy động”, ông Dũng nói.

Bảo đảm an toàn tiền gửi cho người dân

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý sở hữu chéo; quan tâm đến một số lĩnh vực như tháo gỡ khó khăn cho DN liên quan đến thủ tục thế chấp tài sản trong vay vốn ngân hàng; thực hiện Nghị định 67; gói tín dụng 100.000 tỷ  đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao.

Cuối cùng là vấn đề an toàn thông tin cho người gửi tiền, an toàn thông tin mạng, thanh toán qua ATM...

Theo ông Dũng, chúng ta đang khuyến khích người dân không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ... nên cần có giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn gửi tiền cho người dân, tránh ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.

Ông Dũng cũng nhắc lại mục tiêu của Chính phủ là phải đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017. 6 tháng đầu năm đạt 5,73% thì nhiệm vụ của 6 tháng còn lại phải là 7,42%, cả năm mới đạt 6,7%.

“Đây là mức tăng trưởng lớn, cần có sự đóng góp của hệ thống ngân hàng”, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, hệ thống ngân hàng nói chung cũng như Ngân hàng Nhà nước thực hiện trách nhiệm với mục tiêu xuyên suốt trong công chỉ đạo điều hành là đảm bảo ổn đinh kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Đồng thời quyết liệt nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.

Theo ông Hưng, 6 nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu là vấn đề rất lớn, cũng là nhiệm vụ trong tâm của ngân hàng. Trong chương trình công tác, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm